Cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu đổi tiền mới để lì xì, đi chùa dịp cuối năm gia tăng. Cơ quan chức năng cảnh báo, người dân cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò đổi tiền mới trên mạng xã hội để tránh sập bẫy lừa đảo.
Cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết Nguyên đán

“Nở rộ” dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ trên mạng xã hội

Càng gần đến Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ trên các trang mạng xã hội càng sôi động. Mức phí đổi tiền mới, tiền lẻ khá cao, đổi tiền mệnh giá càng nhỏ, thì phí càng cao.

Ví dụ, phí đổi tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng là 10%; phí đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng là 8%. Với các loại mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng, phí đổi tiền mới lần lượt là 15%, 7%, 4% và 3%.

Không chỉ trên trang cá nhân, nhiều người cung cấp dịch vụ đổi tiền mới còn len lỏi cả trong các hội/nhóm cộng đồng, cư dân để tìm kiếm khách hàng. Chẳng hạn, trong nhóm cộng đồng một khu dân cư ở TP.HCM, khá nhiều cá nhân đang rất tích cực chia sẻ các bài viết quảng cáo dịch vụ đổi tiền lì xì, đi chùa...

Theo lời quảng cáo, khách nhận tiền, kiểm tra rồi mới thanh toán phí; có thể liên hệ với người đổi tiền qua Facebook, Zalo, số điện thoại cá nhân; người đổi sẽ đáp ứng tất cả các mệnh giá mà khách hàng cần.

Khi được hỏi lý do vì sao phí đổi tiền năm nay tăng vọt, cao hơn mọi năm, thì các đầu mối đổi tiền mới, tiền lẻ cho biết, do năm nay, lượng tiền mới được Ngân hàng Nhà nước đưa ra rất ít, các đầu mối khó đổi với số lượng lớn. Thậm chí, ngay cả các ngân hàng thương mại, khi khách hàng đến giao dịch cuối năm muốn đổi một ít tiền mới để lì xì cũng khó được đáp ứng, với lý do lượng tiền mới mà Ngân hàng Nhà nước rót xuống hạn chế, trong khi đó, rất nhiều khách hàng có nhu cầu đổi tiền mới, nên ngân hàng khó đáp ứng hết.

Cảnh giác để tránh sập bẫy đổi tiền mới

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM), lợi dụng nhu cầu đổi tiền mới dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tăng cao, nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng các thủ đoạn tinh vi để dẫn dụ nạn nhân đổi tiền trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò đổi tiền mới trên mạng xã hội để tránh “sập bẫy”. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM) cho biết, việc đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng có độ rủi ro rất cao. Lợi dụng nhu cầu cần đổi tiền mới, các đối tượng có thể sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, thậm chí là tiền giả để lừa người dân. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và hết sức cẩn trọng để tránh bị thiệt hại; việc giao dịch, trao đổi tiền cần thực hiện tại các điểm an toàn như tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho rằng, nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa, tiền tệ dịp cuối năm tăng cao là quy luật thông thường. Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo kịp thời các Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường.

“Chỉ có Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu - đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức nhằm hưởng chênh lệch; rao đổi tiền trên mạng đều vi phạm pháp luật, phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia vẫn tiếp tục hạn chế phát hành tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới. Chủ trương này đã được triển khai gần 10 năm qua, nhất là với loại tiền mệnh giá dưới 10.000 đồng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó... Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định, chỉ Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Đáng chú ý, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức, nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật, có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, phạt từ 40 đến 80 triệu đồng đối với tổ chức.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục