Cẩn trọng với cổ phiếu bất động sản

Nhà nước sẽ từng bước mua các dự án nhà đất đang thế chấp tại các ngân hàng nhưng chưa đủ lực tạo ra thị trường bất động sản sôi động.
Cẩn trọng với cổ phiếu bất động sản

Thời gia qua, một số cổ phiếu ngành địa ốc đã có màu xanh, giới đầu tư đang kỳ vọng cổ phiếu bất động sản (BĐS) sẽ tạo đột biến trong thời gian tới.

Cẩn trọng với cổ phiếu bất động sản ảnh 1

Các cổ phiếu BĐS trên sàn HOSE phiên ngày 12/3

 

Giá tăng chóng mặt

Tính từ ngày 1 đến 9-3, nhiều cổ phiếu ngành BĐS tăng giá khá ngoạn mục, nhất các cổ phiếu có thị giá thấp. Cổ phiếu Công ty Cổ phần BĐS Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) không có phiên nào giảm hay đứng giá, tăng từ 2.700 đồng/cổ phiếu lên 3.300 đồng/ cổ phiếu. Mặc dù năm 2011, NVT thua lỗ hơn 70 tỉ đồng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn dồn vốn vào NVT  khiến phiên giao dịch cuối tuần trước, NTV dư mua 4,2 triệu cổ phiếu.

 

Đáng chú  ý hơn cả là từ ngày 14-2 đến 9-3, cổ phiếu SC5 (Công ty Cổ phần Xây dựng số 5) đã tăng từ 10.000 đồng lên 15.600 đồng (ngày 1-3), sau đó  tiếp tục tăng thêm 4.000 đồng/cổ phiếu, đưa SC5 cán mức 19.600 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 9-3). SC5 cho rằng do giá cổ phiếu SC5 đã giảm quá sâu trong suốt năm 2011, đồng thời thị giá hiện tại thấp hơn nhiều so với tiềm năng phát triển của công ty nên khi thị trường khởi sắc thì cổ phiếu SC5 thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

 

Tương tự, cổ phiếu  Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) cũng liên tục tăng giá trong suốt 15 phiên giao dịch, từ 3.900 đồng/cổ phiếu vọt lên 6.800 đồng/cổ phiếu. Theo VPH, do trước đây giá cổ phiếu VPH đã giảm quá sâu; đồng thời, các các khoản vay sẽ đến hạn trả nợ nên nhà đầu tư có phần thiếu tự tin khi nắm giữ cổ phiếu VPH. Tuy nhiên, tại thời điểm này, VPH đã chuyển 402 tỉ đồng thành nợ trung và dài hạn, thị giá cổ phiếu VPH quá thấp so với các cổ phiếu cùng ngành và nội tại của công ty, từ đó nhà đầu tư an tâm đầu tư trở lại.

 

Trong khi đó, các cổ phiếu BĐS còn lại cũng tăng điểm mạnh không kém. Trong 7 phiên giao dịch gần đây, TDH (Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức) có 4 phiên xanh sàn, trong đó hai phiên tăng kịch trần. Cổ phiếu HAG (Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) cũng nhiều phiên tăng giá…

 

Coi chừng đảo chiều

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cố phiếu bất động sản có thể đi xuống bất cư lúc nào, nhất là nhóm cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng. Năm 2011, khi thị trường chứng khoán giảm sâu không ít nhà đầu tư đã  vay tiền thông qua các công ty chứng khoán để mua các mã cổ phiếu có giá trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu BĐS.

 

Thế nhưng, khi thị giá của những cổ phiếu BĐS đó xuống còn vài ngàn đồng/cổ phiếu, các công ty chứng khoán không dám bán ra do không thu hồi đủ số tiền đã cho vay. Vì thế, khi giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp BĐS tăng lên các công ty chứng khoán sẽ bán ra để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng do một số cổ phiếu BĐS có giá quá bèo, chủ  doanh nghiệp lo sợ bị thâu tóm nên đã tung tiền ra thu gom cổ phiếu của chính mình để tăng thêm tỉ lệ nắm giữ cổ phần nhằm phòng thủ từ xa. Mặt khác, đối tượng muốn thâu tóm cũng gia tăng sức mua nên giá cổ phiếu BĐS thị giá nhỏ có thể tiếp tục đi lên.

 

Chưa đủ lực khởi sắc

 

Theo giới phân tích, trong năm 2012, thị trường BĐS vẫn chưa thể khởi sắc bởi tín dụng dành cho BĐS vẫn bị siết chặt. Trong khi đó, Nhà nước chỉ mua lại các dự án BĐS đang được thế chấp tại các NH yếu kém. Tức là sau khi kiểm soát được các NH yếu kém vào cuối năm 2012, Nhà nước mới tiến hành từng bước việc mua tài sản, trong đó có bất động sản mà khác hàng đã thế chấp tại các NH này.

 

Mặt khác, lãi suất được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới gian tới nhưng các NH chỉ cho vay mua nhà đối với người có nguồn trả nợ, chưa đủ lực cho thị trường nhà đất sôi động.

 

Trong khi đó, năm 2011, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TPHCM đã đạt 93.746 tỉ đồng, chiếm 12,7%/ tổng dư nợ cho vay và các NH ở TPHCM chỉ được phép tăng trưởng 15%-17% so với tổng dư nợ năm 2012. Từ đó, các NH tiếp tục hạn chế cho vay đầu tư nhà đất khiến nguồn vốn dành cho lĩnh vực BĐS rất ít, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc vẫn khó khăn, khó tạo ra đột biến cho cổ phiếu BĐS.


Người lao động

Tin cùng chuyên mục