Cẩn trọng và quản trị rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý giằng co giữa bên mua và bán giúp VN-Index tuần qua giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, với thanh khoản gia tăng.
Cẩn trọng và quản trị rủi ro

Chỉ số biến động mạnh

VN-Index có biên độ dao động rộng trong tuần qua, với mức đỉnh tại 1.277 điểm và mức thấp nhất tại 1.230 điểm, cho thấy tâm lý giằng co giữa bên mua và bán, nhưng đóng cửa ở trên ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm. Việc chỉ số giữ được ngưỡng hỗ trợ mạnh này sẽ hỗ trợ tâm lý giao dịch trong tuần mới.

Yếu tố thanh khoản cũng sẽ góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư khi giá trị giao dịch trung bình đạt 24.700 tỷ đồng/ phiên. Sự gia tăng của thanh khoản thể hiện giới đầu tư cố gắng neo giữ VN-Index ở vùng giá hiện tại, dù có một số rủi ro hiện hữu.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc giữ VN-Index ở quanh ngưỡng 1.250 điểm. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng, nối tiếp xu hướng của tuần trước đó, đồng thời phản ứng trước rủi ro tỷ giá dần “nóng” lên. Tính đến ngày 14/3/2024, cổ phiếu VHM, VNM và FRT chịu áp lực bán ròng lớn nhất của khối ngoại. Ngược lại, nhóm này tăng mua cổ phiếu SSI, PVD và KDH.

VN-Index đang có “vùng nhạy cảm” là vùng đỉnh ngắn hạn cũ 1.270 - 1.280 điểm. Hai phiên gần nhất giảm điểm cộng với diễn biến giằng co trong phiên cuối tuần qua phát ra tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn khi chỉ số không vượt qua được vùng giá đó. Vì vậy, cẩn trọng và quản trị rủi ro là từ khóa chính dành cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch tiếp theo.

Ngành thép - Kỳ vọng phục hồi

Nhìn ra thị trường thế giới, giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) đang trong xu hướng giảm trung hạn. Tác động nhiều nhất đến xu hướng của giá thép có thể kể đến tình hình ngành bất động sản của Trung Quốc có diễn biến khá tiêu cực khi giá nhà giảm, áp lực nợ vay cao các doanh nghiệp phát triển bất động sản khiến hoạt động xây dựng gần như “đóng băng”, dẫn đến nhu cầu thép tại quốc gia chiếm gần 50% tổng nhu cầu thép thế giới vẫn rất yếu.

Thị trường thép Việt Nam có thể coi là một điểm sáng trước tình hình chung trên toàn cầu, giá thép xây dựng dao động quanh ngưỡng 14 triệu đồng/tấn trong 4 tháng qua. Nhu cầu thép dần phục hồi phần lớn nhờ các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai. Các dự án bất động sản tầm trung được mở bán tốt trong giai đoạn cuối năm 2023 cũng mở ra triển vọng phục hồi nhẹ cho hoạt động xây dựng.

Về cơ bản, giá thép trong nước có chiều hướng biến động theo giá nguyên liệu đầu vào, khi các doanh nghiệp thép đang hoạt động với mức biên lợi nhuận gộp tương đối mỏng, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh giá đầu ra theo giá đầu vào. Giá quặng sắt và giá than cốc có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn đầu năm 2024 do các kỳ vọng về sự phục hồi của ngành thép Trung Quốc khi quốc gia này có các chính sách để kích cầu kinh tế, cũng như hỗ trợ ngành bất động sản. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá gần đây đã quay trở lại khi tình hình thực tế của Trung Quốc không như kỳ vọng.

Do đó, giá thép nội địa trong thời gian tới có thể giảm nhẹ, dù nhu cầu tiêu thụ nhiều khả năng dần phục hồi dần khi bức tranh kinh tế và đầu tư công có triển vọng tích cực. Một số doanh nghiệp thép thuộc tốp đầu bắt đầu có lãi trở lại trong quý IV/2023 và xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2024. Năm nay có thể là một năm để ngành thép phục hồi, nhưng mức độ tăng trưởng về lợi nhuận có thể ở mức thấp. Trong đó, các doanh nghiệp đầu ngành được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ, nhờ lợi thế về quy mô trong quản lý giá vốn hàng bán cũng như thị phần cao.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục