Cẩn trọng T+3 phiên giao dịch hôm nay, 29/12

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa có thêm một tuần giao dịch “thăng hoa”, nhất là phiên cuối tuần, dù trong tuần có 2 phiên giảm điểm.
Cẩn trọng T+3 phiên giao dịch hôm nay, 29/12

Thanh khoản lập kỷ lục

Đóng cửa tuần giao dịch từ 21 - 25/12/2020, chỉ số VN-Index tăng 1,6% lên 1.084,42 điểm, chỉ số VN30 tăng 1,5% lên 1.052,13 điểm so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản thị trường lập kỷ lục khi khối lượng khớp lệnh liên tục trên HOSE tăng 17,3% và giá trị giao dịch tăng 8,2%.

Diễn biến chỉ số VN-Index theo tuần. Nguồn: FireAnt.

Diễn biến chỉ số VN-Index theo tuần. Nguồn: FireAnt.

Thanh khoản tăng cao dẫn tới hệ thống kết nối giữa công ty chứng khoán và Sở giao dịch bộc lộ bất cập. Cụ thể, giá trị giao dịch đạt gần 14.500 tỷ đồng thì lập tức xảy ra hiện tượng khớp lệnh chậm, thậm chí lệnh bị “tắc nghẽn”.

Tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại vì không thể mua bán như dự tính. Theo đó, một số nhà đầu tư đã phải thay đổi thời gian giao dịch, tập trung vào phiên sáng, hạn chế giao dịch phiên chiều để tránh nguy cơ lệnh không được thực hiện.

Thị trường chứng khoán được xác định là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và thực tế cho thấy, thị trường này đã giúp nhiều doanh nghiệp huy động vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với mục tiêu sớm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên, với hệ thống giao dịch bị giới hạn khi thanh khoản tăng như hiện nay đang cản trở quá trình phát triển cũng như thu hút dòng vốn ngoại.

Được biết, HOSE cùng HNX và VSD đang nỗ lực triển khai gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” nhằm mục tiêu thống nhất hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường, qua đó hệ thống giao dịch mới sẽ đáp ứng được nhu cầu tăng cao của nhà đầu tư.

Từ nay đến thời điểm đó (dự kiến trong năm 2021), không ít nhà đầu tư có lẽ vẫn thấp thỏm khi giao dịch với hệ thống cũ, nhưng cơ hội kiếm lời nhanh từ thị trường vẫn đang thu hút nhà đầu tư.

Men say chiến thắng

Tuần qua, dòng tiền lan toả trên diện rộng, các cổ phiếu hầu hết đều tăng giá. Thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/12, nhưng rồi hồi phục ngay trong phiên và tiếp tục bùng nổ.

Top cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index tuần từ 21-25/12/2020. Nguồn: FiinTrade.

Top cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index tuần từ 21-25/12/2020. Nguồn: FiinTrade.

Một số cổ phiếu tăng giá mạnh khi có thông tin hỗ trợ như KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP Kinh Bắc. Doanh nghiệp này công bố ký được nhiều hợp đồng cho thuê đất với diện tích 150 ha, tổng giá trị đạt 150 triệu USD. Kết thúc tuần giao dịch, cổ phiếu KBC tăng 23,9% so với tuần trước, lên 22.050 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) tăng 31,7%, lên 14.950 đồng/cổ phiếu. Được biết, TDC có kế hoạch phát hành 35 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên HOSE để huy động 350 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ dùng 200 tỷ đồng để phát triển dự án, 150 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh nên động thái bán ra chốt lời dần tăng lên, trong đó đáng chú ý là động thái thoái vốn của chính lãnh đạo doanh nghiệp và các quỹ đầu tư.

Chẳng hạn, trong tuần qua, các tổ chức liên quan tới ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) và Công ty Chứng khoán SSI cùng bán ra cổ phiếu PAN.

Cụ thể, ngày 21/12, Quỹ đầu tư thành viên SSI bán ra 298.436 cổ phiếu PAN, giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,32% xuống 0,18%; Chứng khoán SSI bán ra 1,1 triệu cổ phiếu PAN, giảm tỷ lệ sở hữu từ 20,44% xuống 19,9%. Trước đó, Quỹ PYN Elite Fund đã bán 1,6 triệu cổ phiếu PAN, tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,26% về 4,49%.

Nhóm Dragon Capital đồng loạt thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp trong tháng 12 khi bán tổng cộng 3,03 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), bán 580.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), bán 580.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) - tỷ lệ sở hữu giảm từ 11,03% về 3,12%...

Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp như Biwase (BWE), Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), Thế giới Di động (MWG), Fecon (FCN), Nước Thủ Dầu Một (TDM), Nam Việt (ANV)… cũng đồng loạt thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp.

Mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp và các quỹ đầu tư bán ra chốt lời, là một chỉ báo về việc dòng tiền bị rút ra, nhưng tâm lý đầu tư nói chung trên thị trường vẫn hưng phấn.

Trên các diễn đàn mạng phổ biến các khuyến nghị, nhận định, nhận xét tích cực từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước như “cơ hội ngàn năm có một”, “VN-Index sẽ thẳng tiến lên 1.800 điểm”, “hãy để lãi tiếp tục chạy”, “tiếp tục mua, mua và mua”, “bán là thua, mua là thắng”, “bán là mất hàng”, “bán cao sẽ phải mua lại cao hơn”…

Đối diện với sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thờ ơ khi bán ròng 116 tỷ đồng trên HOSE trong tuần qua.

Lưu ý rủi ro T+3

Sau nhiều ngày liên tục tăng điểm trên diện rộng, phiên 24/12 là phiên đầu tiên kể từ cuối tháng 7 tới nay thị trường rung lắc và điều chỉnh mạnh.

Thông thường, sau chuỗi tăng điểm, thị trường xuất hiện phiên đảo chiều chưa thể khiến chỉ số bước vào đợt điều chỉnh ngay và có thể bật lại ngay sau đó. Chỉ số đã bật tăng trở lại trong phiên cuối tuần qua, nhưng với thanh khoản thấp hơn.

Theo phân tích kỹ thuật, dấu hiệu này cần được lưu ý, nhất là khi chỉ báo “sức mạnh tương đối” RSI trong tình trạng quá mua kéo dài.

Sau một giai đoạn kiếm tiền dễ dàng, chỉ số chứng khoán đang phát đi thông điệp cần phải bảo vệ tài khoản, bảo vệ thành quả trước khả năng giá có thể điều chỉnh trong thời gian tới. Trong đó, phiên giao dịch 29/12/2020 cần được đặc biệt quan tâm, vì đó là phiên T+3, tức lượng hàng mua trong phiên điều chỉnh ngày 24/12 sẽ về tài khoản.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ