P2P lending đang “hái ra tiền”
Sàn kết nối tài chính Tima là một trong những sàn giao dịch cho vay tài chính trên nền tảng công nghệ mới của Việt Nam trong lĩnh vực cho vay tài chính, vận hành theo mô hình sàn kết nối tài chính và nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending), có quy mô rất lớn với đa dạng sản phẩm và dịch vụ tài chính.
Hiện sàn này đang thu hút hàng triệu tổ chức, cá nhân cho vay và tham gia vay trên các nền tảng công nghệ P2P Lending.
Số liệu công bố mới nhất của Tima cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2019, sàn có trên 6,758 triệu đơn vay trên hệ thống, với tổng số đơn vay đã được tư vấn trên 5,454 triệu đơn, tổng tiền giải ngân đạt 83.505,3 tỷ đồng.
Tính đến nay, số người đăng ký giao dịch vay qua nền tảng P2P tại Tima lên tới 4.065.417 người, số người tham gia cho vay là 40.318 người. Ðơn vị này cũng dẫn đầu với gói sản phẩm cho vay lên đến 15 loại hình sản phẩm cho vay tín chấp/thế chấp.
Mới đây, Tima vừa thu hút thêm khoản đầu tư 3 triệu USD ở vòng đầu tư thứ hai từ Quỹ đầu tư Belt Road Capital Management (BRCM) với định giá gần 500 tỷ đồng cho thấy sức hút của sàn giao dịch này trong con mắt giới đầu tư tài chính quốc tế.
Khởi đầu của Tima được nhận định là ấn tượng, trở thành một điển hình thành công của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.
Ðánh giá về tiềm năng của thị trường công nghệ tài chính tại Việt Nam, các chuyên gia dự báo, đây sẽ là lĩnh vực có dư địa phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Số liệu thống kê từ Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nếu như năm 2017 có trên 68 công ty Fintech cạnh tranh trên thị trường 4,4 tỷ USD, thì con số này được dự báo sẽ tăng lên trên 100 công ty tham gia trong thị trường dự kiến tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020 này.
Hiện nay, số lượng công ty trung gian thanh toán đạt 31 công ty, trong đó có 5 công ty nắm giữ 85% thị phần cung cấp các sản phẩm thanh toán thương mại điện tử thông qua nền tảng thanh toán di động, Internet, ví điện tử.
Chuyên gia từ Viện Chiến lược Ngân hàng dự báo, xu hướng các siêu thị tài chính sẽ hình thành và trở nên phổ biến chỉ trong một vài năm tới, khi hàng loạt nhà bán lẻ lớn trên thế giới cùng tham gia khai thác và chia sẻ thị phần lĩnh vực tài chính số.
Ðơn cử, hai gã khổng lồ bán lẻ công nghệ là Amazon và Alibaba đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này với xu thế tạo ra siêu thị tài chính cho người tiêu dùng trên nền tảng công nghệ, dẫn đến thị trường tài chính số được dự báo sẽ phát triển chóng mặt với các nền tảng công nghệ mới cạnh tranh và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, với sự tham gia của nhiều ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ và Fintech tới đây.
Rủi ro tiềm ẩn
Mặc dù là mảnh đất màu mỡ, song các chuyên gia cũng lo ngại mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng công nghệ mới, cũng như nền kinh tế chia sẻ nói chung đang nảy sinh nhiều mối quan hệ mới, phức tạp giữa người mua, người bán và nhà cung cấp nền tảng, làm thay đổi vai trò quyền lợi các bên tham gia, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh nền tảng thể chế pháp lý của Việt Nam còn chưa theo kịp sự phát triển chóng mặt của lĩnh vực này.
Dẫn chứng về biến tướng của kinh tế chia sẻ, tại Hội thảo Ðẩy mạnh thực hiện Ðề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, tình trạng phổ biến trong hoạt động vay ngang hàng tại Việt Nam hiện nay là hầu hết khoản vay không có tài sản bảo đảm.
“Dù mang lại nhiều lợi ích như thời gian nhanh, tiếp cận vốn dễ…, nhưng P2P Lending ở Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro các bên tham gia. Với người cho vay có thể mất trắng tiền khi không có bảo hiểm, không có khung pháp lý bảo vệ.
Thông tin người vay giả mạo dẫn đến người cho vay không kiểm soát được sau khi cho vay. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ bị hacker tấn công, khiến sàn mất dữ liệu, không thể giao dịch…”, ông Hòe cảnh báo.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Các vấn đề xã hội (CIEM) thông tin thêm, hiện nay, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh chưa có quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, từ đó dẫn đến nhiều hình thức kinh tế chia sẻ bị biến tướng khi phát triển ở Việt Nam.
Theo thống kê của CIEM, nhiều loại hình kinh tế chia sẻ xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian ngắn như vận tải trực tuyến từ năm 2014 với Uber, Grab; dịch vụ chia sẻ phòng với khoảng 6.500 cơ sở tham gia mạng lưới Airbnb..., bên cạnh các dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ, cho vay ngang hàng.
Các hình thức gọi vốn cộng đồng tuy mới nhen nhóm, nhưng đã có nhiều đơn vị hoạt động trên nền tảng P2P Lending mang tính tự phát trong thời gian gần đây đang cho thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là khoảng trống chính sách đối với các mô hình kinh tế chia sẻ, bởi hiện chưa có quy định pháp luật liên quan đến kinh tế chia sẻ, chưa có chính sách quy định về nghĩa vụ tài chính như đóng thuế, kê khai thuế với các cá nhân, tổ chức tham gia, thiếu quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, về trách nhiệm của nền tảng cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.
Ðó là chưa kể Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách quản lý giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới. Việc thiếu quy định về an toàn thông tin có thể gây ra nhiều hậu quả…”, ông Hải nhấn mạnh.
Lấp khoảng trống pháp lý P2P lending, cách nào?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, việc thiếu chính sách phù hợp không chỉ tạo ra các rủi ro tiềm ẩn, mà còn khiến quá trình phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ gặp khó khăn như vướng mắc khi cấp giấy phép kinh doanh do chưa có trong danh mục ngành nghề và khiến cơ quan chức năng lúng túng trong xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế…
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM nhận định, dù kinh tế chia sẻ mới phát triển ở Việt Nam, nhưng diễn ra ở các mức độ khác nhau.
Ðể khắc phục các bất cập, cơ quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý chi tiết, cụ thể, phân bổ hiệu quả nguồn lực nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ðể giảm thiểu rủi ro cho mô hình P2P Lending và đưa hình thức cho này trở thành công cụ tài chính hiệu quả, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, cần đảm bảo có khung pháp lý rõ ràng, tạo nền tảng kiểm soát hiệu quả hoạt động này.
Theo đó, cơ quan quản lý cần thiết lập một hệ thống máy chủ kết nối thông tin các công ty cho vay ngang hàng, cũng như các sàn giao dịch tài chính điện tử, để tất cả thông tin sau khi cho vay phải ngay lập tức được truyền sang hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước, được lưu trữ tại cơ quan quản lý nhà nước, để vẫn có thể lưu giữ được dữ liệu trong trường hợp rủi ro bị hacker tấn công.
Bên cạnh đó, điều kiện cấp phép cần có các quy trình rõ ràng về mặt nghiệp vụ như quy trình nhận biết khách hàng, xác định danh tính khách hàng, quản lý tài sản, công bố thông tin và việc thu xếp hợp đồng cần trình cơ quan quản lý nhà nước mới được cấp phép.
Vấn đề chia sẻ thông tin cần được chế định về mặt pháp luật và cơ sở dữ liệu quốc gia cần xây dựng bảo mật thông tin cá nhân, nghị định cần rà soát bổ sung, đồng thời phải có quy định cụ thể đối với người tham gia cho vay và người vay.
“Với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cùng chế định pháp lý đầy đủ sẽ giúp hạn chế rủi ro từ biến tướng của hình thức kinh tế chia sẻ có thể xuất hiện, đặc biệt ở các sản phẩm cho vay ‘ma’ nhằm mục đích lừa đảo.
Từ đó, giúp các doanh nghiệp và người dân tránh được tình trạng góp vốn mất tiền và không được bảo vệ, người vay thì chịu hàng loạt các loại phí và lãi suất cao do nhiều công ty núp bóng cho vay ngang hàng, nhưng bản chất là gọi vốn cộng đồng trái pháp luật”, ông Hòe khuyến cáo.