Cẩn trọng phương án vay trước xu hướng lãi suất tăng

(ĐTCK) Nhiều khách hàng vay vốn ngắn hạn để đầu tư trong dài hạn cần cẩn trọng trước động thái lãi suất mới.
Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi mức lãi suất tăng trên 1%/năm so với hiện nay Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi mức lãi suất tăng trên 1%/năm so với hiện nay

Theo giới phân tích, việc mặt bằng lãi suất huy động tăng lên trong thời gian gần đây một phần do tác động từ động thái tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ, song phần nhiều là do hiệu ứng của Thông tư 06/2016/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 60% xuống 50%.

"Nhiều khả năng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm, nhưng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm"

- ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam 

Thực tế cho thấy, sau quyết định tăng lãi suất USD của Fed ngày 15/3 vừa qua, cũng như dự kiến tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay, điều này đã tác động lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng. CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016, nhưng không quá căng thẳng nếu CPI “hạ nhiệt” trong các tháng tới. Đồng thời, việc mặt bằng lãi suất tăng mang yếu tố tâm lý nhiều hơn, không xuất phát từ khó khăn về thanh khoản của hệ thống, bởi hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng lên trong những tháng gần đây do các ngân hàng cũng phải chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng cầu tín dụng đang dần cải thiện. Mặt khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của một số ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng cho phép, nên cần phải tái cơ cấu nguồn vốn theo quy định tại Thông tư 06. Theo đó, ngân hàng đã tăng cường huy động kỳ hạn dài 5 - 10 năm, khiến lãi suất kỳ hạn dài tăng lên.

Theo ông Hải, từ trước đến nay, không chỉ phía ngân hàng, mà nhiều khách hàng, nhất là đối tượng doanh nghiệp, thường vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung - dài hạn, bởi lãi suất vốn ngắn hạn thường rẻ hơn. Tuy nhiên, khi Thông tư 06 đi vào thực tế, hoạt động động này nên được hạn chế tối đa vì rủi ro lớn mà nó mang lại.

Bởi nếu các ngân hàng tiếp tục lấy vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản nguồn vốn này, một khi chạm trần tăng trưởng tín dụng vốn ngắn hạn theo quy định, hoặc do quan ngại một vấn đề nào đó mà cơ quan quản lý siết chặt việc huy động, đồng thời buộc các ngân hàng phải thu hồi vốn vay ngắn hạn, thì điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể, theo lộ trình, sang năm 2018, các ngân hàng phải tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 40%.

“Bên cạnh đó, dù không quá đáng ngại, song lạm phát cũng đã xuất hiện trở lại từ đầu năm nay. Điều này khiến lãi suất trở nên khó giảm hơn. Lãi suất sẽ không thể mãi ở mức thấp, đó là thực tế mà khách hàng cần phải hiểu”, ông Hải nhấn mạnh.

Tổng giám đốc HSBC cũng cho biết, trước bối cảnh Fed sẽ còn tăng lãi suất, cũng như áp lực cơ cấu lại nguồn vốn để phù hợp với quy định mới, chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên. Vì vậy, lãi suất cho vay khó tránh xu hướng tăng trong thời gian tới.

“Nhiều khả năng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm, nhưng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm. Trong bối cảnh hiện nay, đối với doanh nghiệp, mức tăng khoảng 0,5 - 1%/năm là chấp nhận được, nếu cao hơn sẽ là rất khó khăn”, ông Hải nói.

Theo báo cáo mới đây của BVSC, việc dư thừa thanh khoản không diễn ra ở tất cả ngân hàng. Phần chênh 65.000 tỷ đồng giữa tiền gửi tiết kiệm và tín dụng, nếu trừ đi phần hút ròng của kênh trái phiếu từ đầu năm, thì còn khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.

Đây được coi là con số phản ánh thanh khoản của hệ thống và phần này trên thực tế chủ yếu nằm tại các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Trong khi đó, sự khó khăn về thanh khoản lại thường xảy ra với nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đối với nhóm ngân hàng này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng nhỏ đang phải chạy đua huy động tiết kiệm kỳ hạn dài, với mức lãi suất chạm ngưỡng 8%/năm như tại VietA Bank, Viet Capital Bank, VietBank…, bên cạnh việc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao lên đến 8,88 - 9,2%/năm cho kỳ hạn 5 - 10 năm tại Sacombank, VPBank, LienVietPostBank, VietA Bank…

Chuyên gia ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Sơn nhận định, mặt bằng lãi suất hiện nay phần nào phù hợp với “sức đề kháng” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn cao, cho dù đã giảm nhiều so với 3 năm trước.

“Nếu mặt bằng lãi suất đầu vào tiếp tục tăng, từ đó tác động lên lãi suất đầu ra, sẽ làm hạn chế cầu tín dụng, tình trạng khó khăn trong sử dụng vốn vay đối với doanh nghiệp sẽ lặp lại”, ông Sơn nói.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục