Cẩn trọng đà giảm sút tăng trưởng nửa cuối năm

(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 tuy đạt mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, nhưng đang có dấu hiệu "mất đà" do thiếu động lực hỗ trợ. Đây là vấn đề cần lưu tâm không chỉ với riêng kinh tế nửa cuối năm 2018, mà còn của cả giai đoạn 2019-2020.
Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại do thiếu động lực hỗ trợ.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề như việc tăng giá USD, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế...

Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay, theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và dự báo (NCIF), đó là đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại do thiếu động lực hỗ trợ, bất chấp việc đạt 7,08% trong nửa đầu năm - mức cao kỷ lục kể từ năm 2011.

“Quý I tăng trưởng đột biến và quý II tăng chủ yếu nhờ đóng góp của Samsung và Formosa, trong khi nhìn vào quý III và IV hiện chưa thấy yếu tố đột phá, điều này thể hiện lực đẩy cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang giảm sút do mất đi yếu tố hỗ trợ", ông Đức Anh nhận định.

Theo dự báo của NCIF, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Trong đó, tăng trưởng quý III và IV không có yếu tố đột phá, với mức tăng ước đạt lần lượt 6,72% và 6,56%. Lạm phát bình quân năm 2018 trong khoảng 4-4,2%.   

Theo chuyên gia này, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng, trong khi các động lực chính như công nghiệp chế biến - chế tạo và thu hút đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bão hòa.

Cụ thể, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần và chưa có động lực mới bổ sung; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ nét, trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn từ sự gia tăng dòng đầu tư...

Trên thực tế, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô đang ngày càng lớn, thậm chí cao hơn năm 2017, nhất là là sức ép tỷ giá, lạm phát. Theo phân tích của NCIF, đây là thời điểm tỷ giá chịu nhiều áp lực. Hiện tại, do nhiều yếu tố, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 2% so với đầu năm. Do đó, việc NHNN dùng biện pháp nào để ổn định tỷ giá đang là vấn đề được quan tâm.

Ở chiều hướng khác, lạm phát đang có xu hướng tăng lên, ngược chiều so với 2017, trong khi mặt bằng lãi suất cũng trong xu hướng tăng. Đây là hai yếu tố cùng gây sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.

“Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định kiềm chế lạm phát bình quân dưới 4% bằng việc không tăng giá điện, giảm giá dịch vụ y tế, không thực hiện điều chỉnh thuế VAT, thuế môi trường… Đây là những giải pháp tích cực và phù hợp với bối cảnh hiện nay để ổn định môi trường kinh doanh, duy trì động lực cho tăng trưởng kinh tế”, ông Đức Anh nhìn nhận.  

Cùng với các thách thức đến từ nội tại trong nước, theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước mắt ảnh hưởng chưa mạnh, song cũng là nhân tố gây tác động dây chuyền tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới tăng trưởng GDP.

Về dài hạn, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới (NCIF) nhìn nhận, có thể trong giai đoạn 2021-2023, những tác động của chiến tranh thương mại sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ.

"Theo dự đoán, năm 2021, GDP của Việt Nam có thể giảm 0,12%. Xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cũng đều giảm theo hiệu ứng này", ông Thắng nói. 

Để đối phó với những thách thức và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường năng lực công nghệ để thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ cao. Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng tình huống các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt, chủ động ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ, cũng như đối phó với biến động về tỷ giá.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo, tập trung hơn nữa cho xuất khẩu để tìm thị trường mới.

“Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cần ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt điều này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc”, ông Lưu Bích Hồ gợi ý.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, trong dài hạn, cần tính đến tình huống Tổng thống Mỹ xem xét lại tất cả các mối quan hệ thương mại không công bằng của nước Mỹ. Khi đó, Việt Nam cần hành động để cán cân thương mại Việt - Mỹ lành mạnh hơn.  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục