Cần tính cách tăng tổng cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn cao, trong khi doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do tổng cầu của nền kinh tế còn rất thấp.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quyết liệt, trong đó có linh hoạt, nới lỏng chính sách tiền tệ. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quyết liệt, trong đó có linh hoạt, nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp khó vay

Ông Nguyễn Văn Tú, giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội chia sẻ, trong suốt 3 năm dịch bệnh Covid-19, hoạt động của công ty cứ đóng dần từng mảng rồi đóng hẳn; ông và một số nhân sự phải chuyển sang bán thực phẩm Nga, đi ship từng đơn hàng để có nguồn lực trả tiền thuê văn phòng và lương cho nhân viên. Đến khi hết dịch, du lịch phục hồi, cần nguồn vốn lớn để khởi động lại hoạt động cốt lõi thì lãi vay cao, công ty không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do không còn tài sản đảm bảo và 2 năm trước khi vay đều thua lỗ.

Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC (một doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối thuỷ sản, có trụ sở ở Thái Bình) cho biết, nửa đầu năm nay, do sức cầu hàng hoá giảm, doanh nghiệp bị giảm tới 25% đơn hàng xuất nhập khẩu. Xác định hướng khắc phục là đẩy mạnh thị trường trong nước, song HDC đang thiếu nguồn vốn do không được ngân hàng giải ngân đủ hạn mức tín dụng đã đăng ký vì thiếu tài sản đảm bảo, mặc dù báo cáo tài chính và lịch sử thanh toán vẫn tốt.

Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá mới đây, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp hàng loạt khó khăn do đơn hàng giảm, chi phí đầu vào cao, sức chống chịu kém sau 3 năm đại dịch, quy định về phòng cháy chữa cháy, cắt điện luân phiên, chi phí lãi vay cao, khó tiếp cận tín dụng…

“Những doanh nghiệp cần vay nhất hiện nay đều đang thua lỗ, khó khăn, nhưng ngân hàng vẫn đòi hỏi những tiêu chuẩn như trong điều kiện bình thường trước đây. Nếu chúng tôi đang làm ăn có lãi thì ngân hàng còn phải đến tận nơi gợi ý cho chúng tôi vay”, ông Đoan nói.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống dưới 8%/năm và từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm khoảng 2%/năm, nhưng lãi suất cho vay mới chỉ giảm khoảng 1%/năm.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nếu doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất 8,5 - 10%/năm như hiện nay (thực tế có thể cao hơn) thì vẫn rất khó khăn để có lợi nhuận đủ bù đắp lạm phát và chi trả chi phí vốn.

Dẫn công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%/năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013 - 2021 là 5,9%/năm và 4,6%/năm.

Mức lãi suất cho vay hiện nay cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu.

“Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ nói.

Trong khi đó, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm nay, bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%.

Mặt khác, hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản. Tính đến cuối tháng 5/2023, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1 - 2%/năm so với cuối năm 2022, nhưng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng, đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng.

Thêm dư địa cho chính sách tiền tệ

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nay, lạm phát trên thế giới đã chững lại, thậm chí lạm phát tại một số thị trường còn giảm nhanh hơn dự báo (ví dụ, lạm phát của Mỹ tháng 6/2023 chỉ còn 3% so với mức 9% vào quý III/2022).

Ở trong nước, lạm phát tổng thể đã giảm từ mức 4,9% của tháng 1/2023 (so với tháng 1/2022) xuống 2% vào tháng 6/2023 (so với tháng 6/2022); lạm phát cơ bản giảm từ mức 5,21% đầu năm 2023 xuống 4,74% vào tháng 6/2023.

Cộng với bối cảnh tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bây giờ là lúc cần thay đổi chính sách phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhiều hơn. Vị chuyên gia ủng hộ nới lỏng tiền tệ, nhưng linh hoạt, vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8/7/2023, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: “Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý” và “tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%…”.

“Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng khi quyết định chuyển từ trạng thái “chặt chẽ” sang trạng thái “linh hoạt, nới lỏng”, tôi thấy rất phù hợp”, ông Lực nói, đồng thời nhấn mạnh, giảm tiếp lãi vay theo chỉ đạo của Chính phủ là phù hợp và khả thi trong thời gian tới.

Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 25/7/2023, Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, chính sách tiền tệ không phải cây đũa thần giải quyết được mọi vấn đề, muốn tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì cần thêm nhiều giải pháp khác. Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận, ngân hàng đang dư thừa tiền trong kho và sẽ giảm thêm lãi suất.

“Chính sách tiền tệ sẽ cố gắng điều hành linh hoạt những công cụ trong tay ngân hàng có, nhưng cần hài hòa nhiều yếu tố”, Phó thống đốc nói.

“Nhiều yếu tố” như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập là kết hợp nới lỏng tiền tệ linh hoạt với kích thích tổng cầu bằng cách hỗ trợ tiêu dùng nội địa (để giảm tác động của xuất khẩu suy giảm), đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan toả…

Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất không nên giảm quá nhanh, quá mạnh, dễ khiến tiền chảy vào các kênh tài sản; thay vào đó, cần kết hợp giảm lãi suất với các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, nhất là kênh trung và dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp. Còn GS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, cần kết hợp nới lỏng tiền tệ với kích thích tổng cầu và đẩy mạnh chính sách tài khoá theo hướng hỗ trợ lãi suất.

Khi được hỏi về giải pháp đẩy vốn ra ngoài thị trường trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, nếu chỉ nhìn vào lãi suất và thanh khoản của các ngân hàng, tình trạng “đói vốn” của các doanh nghiệp, thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay.

Ông Hiếu tiếp tục nói về vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng mang tầm cỡ quốc gia mà Việt Nam cần hướng tới. Hiện nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương có quy mô còn rất nhỏ và hoạt động chưa hiệu quả. Nếu có Quỹ bảo lãnh tín dụng mang tầm cỡ quốc gia thì ngân hàng có thể “mạnh tay” cho doanh nghiệp vay vốn.

Ngoài ra, vị chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy các ngân hàng xây dựng thêm hình thức cho vay tín chấp bên cạnh vay thế chấp.

“Các ngân hàng cần thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về những quy định, những mô hình cho vay tín chấp phù hợp. Điều này không có nghĩa là hạ chuẩn tín dụng dẫn đến nợ xấu và tình trạng mất vốn của các ngân hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị, nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay do vướng quy định pháp luật ngân hàng hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp.

Theo Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, đơn vị này đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay là 5,34%, 5,72% và 6,46%.

Đáng lưu ý, CIEM cho rằng, để đạt được kịch bản khả quan là GDP tăng 6,46% đòi hỏi một loạt giả thiết tích cực, bao gồm cả việc Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục