Cần thu hút doanh nghiệp đầu tàu, đủ sức dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mục tiêu của ngành nông nghiệp là phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tàu, đủ sức dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ông có thể đưa ra đánh giá về tình hình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong những năm gần đây, cụ thể là trong năm 2019?

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện, 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành khá ổn định, đạt bình quân gần 3%/năm. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt giá trị kỷ lục 41,3 tỷ USD.

Những thành công trong thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp nông nghiệp - lực lượng đầu tàu dẫn dắt trong các chuỗi giá trị nông sản, tiên phong đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

Chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều đột phá, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thống kê năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018.

Trong hai năm gần đây, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ chiếm 1,3% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, đầu vào và chế biến liên quan đến nông nghiệp thì cũng chỉ chiếm khoảng 7%. Chưa kể, chủ yếu doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Số doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để làm hạt nhân, dẫn dắt các chuỗi giá trị còn hạn chế.

Theo ông, phải làm gì để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Mục tiêu của chúng ta không chỉ là thu hút đầu tư vào nông nghiệp, mà còn phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tàu, đủ sức dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp. Những doanh nghiệp này có thể tạo giá trị gia tăng, tạo việc làm cho người dân nông thôn, giúp đầu ra ổn định, hỗ trợ công nghệ cho nông dân theo chuẩn thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất trong cả khâu sản xuất và khâu sau thu hoạch, hỗ trợ vốn, có cơ chế chia sẻ lợi ích với nông dân.

Trong năm 2019, đã có nhiều đột phá về cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc như triển khai Nghị quyết số 02-2019/NQ-CP và Nghị quyết19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 50,15%; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, đạt 50,8%.

Đặc biệt, trong năm 2019, Chính phủ có Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Song, đây mới chỉ là những chủ trương, chính sách ban đầu, cần có các hành động cụ thể để hướng dẫn triển khai các chính sách nêu trên và cần bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Thưa ông, đất đai luôn là vấn đề khó khăn lớn nhất đối với việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Câu chuyện này đã được đề cập nhiều năm, vậy ngành nông nghiệp đã có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Đúng vậy. Ruộng đất phân tán, manh mún là cản trở chính cho việc áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hạ giá thành, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Do vậy, từ cuối năm 2016, Chính phủ đã có chủ trương sửa đổi Luật Đất đai 2013, Quốc hội đã đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị các nội dung cần sửa đổi.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt và ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó cũng đề cập đến việc đổi mới một số cơ chế chính sách đất đai, ưu đãi về thuê đất của doanh nghiệp.

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia sát sao cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện hệ thống luật pháp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh tập trung và tích tụ đất nông nghiệp.

Thu Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục