Cần Thơ và Hậu Giang ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Trọng tâm hợp tác giữa Cần Thơ và Hậu Giang là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh/vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, mở rộng đầu tư.
Lãnh đạo TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chủ trì Hội nghị sơ kết và ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ Lãnh đạo TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chủ trì Hội nghị sơ kết và ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ

Chiều ngày 26/2/2021, tại TP. Vị Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang và UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả hợp tác trong thời gian qua và ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang với TP.Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025.

Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại - du lịch; khoa học công nghệ; giáo dục, đào tạo; y tế; thông tin và truyền thông; giao thông vận tải... Qua đó, bước đầu các sở, ngành đã tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ trong cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành...

Đặc biệt, trong công tác xúc tiến đầu tư, hai địa phương đã phối hợp với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. Hồ Chí Minh tổ chức các diễn đàn, hội nghị nhằm tạo ra tiếng nói chung và thế mạnh vùng như: liên kết hợp tác để phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao; liên kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (lúa gạo, cá tra, ba sa, tôm, trái cây…); liên kết hợp tác để xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù riêng của vùng, của tiểu vùng từng tỉnh, thành để thu hút đầu tư vào ĐBSCL; tập hợp sáng kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý của Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng và các nhà doanh nghiệp theo từng chủ đề để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của hai địa phương, trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ của TP. Cần Thơ đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

Đầu tư trong các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.500 tỷ đồng, điển hình như: Công ty cổ phần Thủy sản Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Chế biến thuỷ sản Long Phú, Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang, Công ty cổ phần Phú Thạnh, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, Công ty cổ phần Sản xuất - xây dựng - thương mại Tân Thuận Thành, Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG, Công ty cổ phần Bất động sản Cantcimex, Công ty TNHH Thành Phát, Công ty CP đầu tư khu công nghiệp Đông Phú...

Đầu tư ngoài khu công nghiệp: Tham gia đầu tư xây dựng và khai thác 05 chợ tại Hậu Giang như: Công ty TNHH Việt Mai, đầu tư khai thác chợ Vị Thủy; Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cần Thơ, đầu tư khai thác chợ thị trấn Ngã Sáu, chợ Mái Dầm; Công ty Đầu tư và khai thác chợ Cửu Long, đầu tư khai thác chợ Ngã Bảy, chợ Vị Thanh (Phường 3, TP.Vị Thanh).

Ngoài ra, hiện có một số doanh nghiệp TP.Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư các khu dân cư, thương mại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh (bên phải) ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa hai địa phương
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh (bên phải) ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa hai địa phương

Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015, lãnh đạo hai địa phương thống nhất tiếp tục nâng tầm hợp tác và ký kết Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang với TP.Cần Thơ giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu: Tiếp tục nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực mang tính thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trong từng giai đoạn của mỗi địa phương.

Trọng tâm hợp tác của giai đoạn 2021-2025 là tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh/vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở hai địa phương, đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư liên tỉnh hoặc liên vùng; phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước liên tỉnh - thành.

Hợp tác của hai địa phương nhằm cụ thể hóa các hoạt động trong khuôn khổ liên kết vùng, cụm liên kết vùng và cụm ngành trên cơ sở các hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Các nội dung hợp tác cụ thể: Về công nghiệp, hai địa phương trao đổi, hợp tác, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xuất nhập hàng hóa tại các bến cảng; cấp xuất xứ hàng hóa; cơ sở xử lý nước thải, chất thải công nghiệp trong khu công nghiệp… Phối hợp kiến nghị với Trung ương đầu tư nạo vét duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đến các cảng Cần Thơ và Hậu Giang.

Về thương mại - dịch vụ, phối hợp trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng (ưu tiên các sản phẩm OCOP) của hai địa phương. Đồng thời thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, phối hợp kiến nghị với Trung ương đầu tư nạo vét hệ thống thủy lợi tưới tiêu, kiểm soát mặn (kênh Xà No, kênh KH9). Đồng thời, xây dựng Trung tâm quản lý khai thác vận hành hệ thống các công trình thủy lợi vùng Tây sông Hậu.

Về giao thông, tập trung phối hợp thực hiện đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C), giai đoạn 2 và bờ kè Kênh xáng Xà No gắn với thành phố Cần Thơ. Phối hợp nghiên cứu một số tuyến giao thông bộ theo trục ngang (Cao tốc Cần Thơ - Rạch Sỏi - Quốc lộ 61C - Quốc lộ 1 - Quản lộ Phụng Hiệp và các tuyến khác.

Lĩnh vực du lịch, liên kết phối hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch, chú trọng các tour du lịch bằng đường thuỷ, du lịch chuyên đề, du lịch sinh thái, du lịch khám phá...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, liên kết vùng là xu thế tất yếu, do đó 02 địa phương cần chủ động hợp tác để đón đầu xu thế, tận dụng cơ hội để bứt phá. Với sự quyết tâm và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Hậu Giang và TP.Cần Thơ sẽ có bước tiến mới, toàn diện và ngày càng hiệu quả, thúc đẩy phát huy tiềm năng, lợi thế, đóng góp cho sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang mong muốn hai địa phương sẽ triển khai, cụ thể hóa 12 nội dung định hướng hợp tác trong thời gian tới, trong đó cần quan tâm tập trung chỉ đạo một số lĩnh vực.

Thứ nhất, tăng cường cơ chế tham vấn ý kiến trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, định hướng phát triển và quan trọng hơn cả là tham vấn lẫn nhau trong trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh của mỗi địa phương trong thời gian tới để có thể tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh đi xuống, hay chiến lược đại dương đỏ.

Thứ hai, hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối thủy bộ giữa 02 địa phương, cụ thể là đầu tư giai đoạn 2 đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C) để thắt chặt liên kết vùng, tạo động lực mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Thứ ba, quan tâm hơn đến việc hợp tác trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nước, chất thải; phát huy tiềm năng phát triển hành lang kinh tế dọc Sông Hậu, kênh Xáng Xà No và đường nối Cần Thơ - Vị Thanh; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, phối hợp mở các tour, tuyến du lịch trải nghiệm sông nước du khảo đồng quê, địa điểm lịch sử của 02 địa phương; phối hợp liên kết thực hiện các sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm quan trọng khác...

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục