Theo UBND TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch và rất nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc, đề ra các giải pháp quyết liệt trong công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2021, kết quả giải ngân của Thành phố chỉ đạt 22,30%. Trong đó, vốn do Thành phố quản lý giải ngân đạt 19,60%; vốn do quận, huyện quản lý, giải ngân đạt 28,30%.
Đây là tỷ lệ đạt rất thấp so các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc (47,38%). Đặc biệt, có nhiều chủ đầu tư từ đầu năm đến nay chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ tính đến hết tháng 9/2021 về tình hình thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 theo từng chủ đầu tư, có 13 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% (Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Ban An toàn giao thông thành phố, Sở tài chính, Văn phòng Thành ủy, Sở Nội vụ…); 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, UBND huyện Vĩnh Thạnh); 6 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 20% (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông); 6 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (Ban Quản lý dự án ODA, UBND các quận, huyện: Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng); 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ trên 40% đến 50% (Trường Cao đẳng y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, UBND huyện Phong Điền).
Mới đây, vào ngày 1/10, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2021 (theo hình thức trực tuyến) của UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, tình hình dịch bệnh kéo dài những tháng qua đã làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân chủ quan là do trong thời gian này, bên cạnh một bộ phận ở một số cơ quan, đơn vị sở, ngành lo tập trung phòng chống dịch, thì có một bộ phận còn lại “nghỉ ngơi”. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ giải ngân đầu tư công.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án nghiêm khắc kiểm điểm, chấn chỉnh kịp thời và đề ra các biện pháp hiệu quả, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được bố trí.
Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành Thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư (chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế - dự toán,...), triển khai dự án. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, chủ động liên hệ Sở, ngành chức năng và địa phương có liên quan để được xem xét, hướng dẫn thực hiện kịp thời.
Tăng cường biện pháp chủ yếu làm việc tăng ca/tăng cường thầu phụ trong thi công xây dựng công trình (xem đây là giải pháp cấp bách, bắt buộc, cần thực hiện ngay), để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo kế hoạch và tỷ lệ giải ngân vốn đã bố trí.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu; đồng thời, khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán dự án/công trình hoàn thành, đảm bảo đúng quy định.
Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và giải ngân vốn xây dựng công trình, định kỳ báo cáo (hàng tuần, hàng tháng, quý) các trường hợp có khó khăn vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết; đồng thời, khẩn trương rà soát khả năng giải ngân của đơn vị mình, có văn bản đề nghị điều chuyển, bổ sung vốn và cam kết về tỷ lệ giải ngân gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất phương án đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2021. (trong đó, cần đặc biệt quan tâm 06 dự án thực hiện từ nguồn vốn nước ngoài (vốn viện trợ, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ).
Rà soát, thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí. Đưa nội dung đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, làm cơ sở đánh giá cuối năm.
Người đứng đầu chính quyền TP. Cần Thơ giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung tối đa cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng triển khai dự án theo kế hoạch. Tăng cường bộ phận làm nhiệm vụ, tăng ca, đối thoại... chịu trách nhiệm toàn diện về chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án và kế hoạch giải ngân.
Giao Thủ trưởng các Sở chuyên ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương) theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, rút ngắn thời gian thẩm định, hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án... làm cơ sở triển khai thực hiện kịp thời.
Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ và các đơn vị có liên quan theo dõi báo cáo số liệu giải ngân hàng tuần về Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố và Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.
Tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 của TP. Cần Thơ được giao là 7.502,031 tỷ đồng.