Điều gì tiếp theo?
4 giờ chiều 1/7/2019, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vội vã rời cuộc đối thoại doanh nghiệp về Hiệp định EVFTA do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.
“Chúng tôi có hẹn làm việc với Tổng cục Thủy sản. Các tác động của EVFTA tới doanh nghiệp thủy sản sẽ phải được làm rõ, không chỉ là việc cắt giảm thuế quan. EVFTA còn có các tác động từ các chương về biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), phòng vệ thương mại, cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ…, cũng như vấn đề pháp lý - thể chế. Với doanh nghiệp, mọi việc cần phải được làm rõ, chi tiết từng điều khoản”, ông Nam chia sẻ lý do từ chối đề nghị phỏng vấn.
Phải nói thêm, VASEP là một trong số ít hiệp hội ngành nghề của Việt Nam thực sự tích cực. Năm ngoái, vài ba cuộc làm việc giữa thành viên VASEP và các chuyên gia đàm phán EVFTA của Bộ Công thương đã được tổ chức, để phác thảo dần con đường tới thị trường EU của thủy sản Việt Nam, nhất là khi thủy sản Việt Nam vẫn đang trong nỗ lực cao độ để được gỡ thẻ vàng (do thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - khai thác IUU) từ Ủy ban châu Âu (EC).
Thẻ vàng của thủy sản Việt Nam chỉ là một ví dụ, nhưng đáng để tâm khi EVFTA sẽ không chỉ mang đến những dòng thuế được xóa bỏ, gia tăng cơ hội xuất khẩu cho các mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế, như dệt may, da giày, nông thủy sản… Những rào cản về thương mại, các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, những đòi hỏi thương mại công bằng… mà EU đưa ra trong cam kết đều là những tiêu chuẩn cao của thế giới.
Trong cuộc đối thoại đầu tiên với các doanh nghiệp Việt Nam và EU chỉ vài giờ sau lễ ký EVFTA tại Hà Nội, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU cũng thẳng thắn trao đổi rằng, những tiêu chuẩn này là chuẩn mực quốc tế và không có sự nhân nhượng.
“Việt Nam đã có những nỗ lực để tuân thủ, nhưng cần phải tiếp tục. Hơn thế, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế không chỉ vì EVFTA, mà còn vì Việt Nam đang có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế khác, cần phải tuân thủ cam kết”, bà Cecilia nói.
Đòi hỏi thay đổi lớn
Ngay khi thông tin EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký kết, số lượng các doanh nghiệp EU đăng ký làm việc với EuroCham và VCCI để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam tăng đột biến.
Doanh nghiệp Việt sẽ mất chi phí và thời gian để thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật mà EU đưa ra, trong khi phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều đối thủ mới trên sân nhà.
“Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan… đã đến tìm hiểu thị trường Việt Nam. Trước đây, các hàng rào thuế quan, thủ tục đầu tư làm khó họ, nhưng giờ, khi EVFTA được thiết kế đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những thủ tục đơn giản hơn, được bảo vệ tốt hơn, cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa EU tại Việt Nam rõ ràng hơn”, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Không chỉ vậy, EU đang có những chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của 28 nước thành viên trong việc cải thiện năng lực để tiếp cận các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Trong đánh giá tác động từ EVFTA mà EuroCham đưa ra cho thành viên của mình, thị trường mà họ nhắm tới không chỉ là 100 triệu dân Việt Nam mà là hơn 600 triệu dân ASEAN.
Trước đó, khi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ông Nicolas Audier cũng đặt vấn đề về cơ hội tiếp cận các hoạt động mua sắm công của các doanh nghiệp trong ngành dược của EU…
Trong khi đó, ở góc độ các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc tận dụng cơ hội thị trường từ các dòng thuế được bãi bỏ thông qua việc phải tiếp cận, hiểu rõ các cam kết về thuế, các doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí và cả thời gian để thực hiện được các tiêu chuẩn kỹ thuật mà EU đưa ra, trong khi sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều đối thủ mới ngay trên sân nhà.
“Nhiều doanh nghiệp cần phải thay đổi cơ cấu nguyên liệu, công nghệ, sản phẩm, quy trình sản xuất và cả đối tác để đảm bảo tiêu chí về xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, môi trường…”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói về những việc sẽ phải làm tới đây.
Đặt đòi hỏi này vào tỷ lệ 70% doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin về EVFTA, có thể nói, điều kiện tiên quyết để tận dụng cơ hội mới từ doanh nghiệp Việt Nam đã không đủ. Đây cũng chính là lý do mà chỉ có khoảng 40% cam kết ưu đãi thuế quan trong các FTA của Việt Nam được tận dụng.
“Doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, phân tích nội dung các cam kết trong lĩnh vực, ngành hàng của mình. Nhưng thách thức lớn hơn cả là thể chế. Với EVFTA, thị trường đã thông, đường cao tốc đến EU đã mở, nhưng nếu thể chế không thoáng, cơ chế trói buộc doanh nghiệp, thì sẽ không có cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, ông Lộc thẳng thắn.