Muôn mặt “chiêu trò”
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, việc phải đấu thầu để bán bảo hiểm là quy định với nhiều loại sản phẩm, nhưng như một vấn nạn, cứ nói đến thầu tức là có “xanh - chín”, có “rào cản kỹ thuật”…
Hồi tháng 6/2016, người viết bài đã nhận được phản ánh của hai doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phàn nàn về việc gặp khó trong mua hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh do Bệnh viện Bạch Mai làm chủ đầu tư, với lý do nhân viên chuyên trách bán hồ sơ của Bệnh viện… đi vắng, nhưng chờ được nhân sự có trách nhiệm thì câu trả lời lại là “đã hết hồ sơ mời thầu”.
Việc phải đấu thầu để bán bảo hiểm là quy định với nhiều loại sản phẩm, nhưng như một vấn nạn, cứ nói đến thầu tức là có "xanh - chín", có "rào cản kỹ thuật"...
Cách bán hồ sơ mời thầu như trên theo phản ánh của doanh nghiệp bảo hiểm là “có dấu hiệu ngăn cản” bên mua, trái với nguyên tắc công khai rộng rãi trong đấu thầu bảo hiểm.
Phía Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận sau khi kiểm tra lại thì đúng là có chuyện gần hết hồ sơ thầu tại thời điểm mở bán xuất phát từ một số lý do. Nhưng sau đó, Bệnh viện đã kịp thời bổ sung 10 hồ sơ mời thầu để đáp ứng nhu cầu quan tâm đông đảo về đấu thầu của các nhà bảo hiểm.
Còn về việc nhân viên bán hồ sơ đi vắng, phía Bạch Mai cũng thừa nhận nhân viên bán hồ sợ bận đi họp ở bên Bộ Y tế và có thể do bận thêm các công việc liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ nên có lúc không ở trong phòng. Ngoài ra, do đây là lĩnh vực mới mà Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viên đầu tiên mua loại bảo hiểm này nên cán bộ chuyên trách còn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Những tưởng nghi ngờ về tình trạng “thông thầu” bán hồ sơ thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ đã khép lại khi Bệnh viện Bạch Mai bổ sung hồ sơ giúp thêm hai doanh nghiệp bảo hiểm mua được hồ sơ thầu. Tuy nhiên, chuyện lại không kết thúc ở đó.
Khi doanh nghiệp tiếp cận được hồ sơ thầu mới “té ngửa” về những điều kiện mời thầu. Chẳng hạn như về điều kiện về tài chính cho nhà thầu, bên mời thầu đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà thầu phải có mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm đạt tối thiếu 50% trong năm 2015, một tốc độ tăng trưởng “như mơ”. Trong khi đó, tăng trưởng bình quân thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2015 với khối phi nhân thọ chỉ là 17%.
Ngoài tốc độ tăng trưởng cao thì hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu cũng phải rất khủng, ROE tối thiểu 4%. Đây cũng là tiêu chí chỉ có số hiếm doanh nghiệp bảo hiểm đạt được.
Cuối cùng, trước phản ứng của một số nhà thầu, bệnh viện này đã có công văn gia hạn thời gian đóng, mở thầu và sửa hồ sơ mời thầu.
Trong một câu chuyện khác, một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm vừa qua vì bị loại ra ngoài cuộc chơi một cách thiếu công bằng, đã phản ánh Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long gây cản trở trong đấu thầu bảo hiểm công trình tại Khu công nghiệp Thạch Thất.
Trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đưa ra 3 tiêu chí: số năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tối thiểu 15 năm; quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm 31/12/2015 đạt trên 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ 3 năm từ 2013-2015 tối thiểu 60% tổng phí bảo hiểm gốc.
Nếu áp theo tiêu chí này thì cả thị trường bảo hiểm, chỉ có khoảng 2 đơn vị đáp ứng được yêu cầu!?
Một câu chuyện đấu thầu bảo hiểm công trình khác đó là gói thầu TV.17 do Công ty cổ phần Thủy điện Hòa Thuận (công ty con của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568) làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh là “không mua được hồ sơ thầu” trong thời gian thông báo vì lý do “giám đốc đi vắng nên chưa chuẩn bị xong hồ sơ, hẹn hôm khác đến”. Sau phản ánh này, phía Công ty cổ phần Thủy điện Hòa Thuận thừa nhận và hứa “sẽ rút kinh nghiệm”.
Và cũng như hầu hết các hồ sơ mời thầu khác, với trường hợp này cũng có điều khoản “lọc thị trường” và được doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh rằng có “ưu ái cho riêng một doanh nghiệp”. Cụ thể, đó là điểm 3.4 trong hồ sơ thầu quy định về tiêu chí năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu bảo hiểm, phía mời thầu đã đưa ra yêu cầu tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ bình quân trong các năm 2013, 2014 và 2015 phải đạt tối thiểu 60% tổng phí bảo hiểm gốc.
Nhà thầu tìm mọi cách thắng thầu
3 trường hợp cản thầu trên chỉ là những điển hình năm 2016, một năm với vô số vụ tương tự được các doanh nghiệp phản ánh.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, khi “bị loại từ vòng hồ sơ” vì những tiêu chuẩn lạ đời tất nhiên sẽ bức xúc, gặp ít thì còn “cố nhịn”, nhưng “đi đâu cũng gặp” thì khó có thể nhịn được. Mà khi chuyện “thầu và quan hệ” thành phong trào nguy hiểm lại dẫn đến hệ lụy khác là các doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau đi “xây dựng quan hệ” với các chủ đầu tư, thị trường bị méo mó.
Những câu chuyện diễn ra năm 2016 đang hé lộ những góc khuất đằng sau việc mua hồ sơ thầu nói chung, hồ sơ thầu bảo hiểm nói riêng.
Cũng theo vị lãnh đạo này thì nhiều đơn vị mời thầu “thô hết sức” khi dân trong ngành chỉ cần nhìn hồ sơ mời thầu là có thể chỉ tên luôn doanh nghiệp trúng thầu. Chưa hết, không ít trường hợp “ở vòng hồ sơ” thì rất khách quan, nhiều nhà thầu đều đạt chuẩn để tham gia dự thầu, nhưng đến vòng trong mới té ngửa ra, cay đắng rút lui, chấp nhận mất chi phí về thời gian, tiền bạc để làm hồ sơ.
Từng có trường hợp. doanh nghiệp bảo hiểm tưởng chắc thắng thầu rồi (mà thắng thầu thật) nhưng sau thì không dám ký hợp đồng vì những “điều kiện mềm” bổ sung, làm thì lỗ ngay.
Những câu chuyện diễn ra năm 2016 đang hé lộ những góc khuất đằng sau việc mua hồ sơ thầu nói chung, hồ sơ thầu bảo hiểm nói riêng. Vấn đề cần nhìn ở hai chiều, cả từ chủ đầu tư cố ý ưu ái một doanh nghiệp bảo hiểm nào đó và ngược lại cũng từ chính doanh nghiệp bảo hiểm tìm mọi cách thắng thầu nên đã góp sức “làm hư” chính chủ đầu tư.
Phương thức thường gặp là doanh nghiệp bảo hiểm “đi đêm” với chủ đầu tư/nhà tư vấn xây dựng gói thầu, thông qua việc làm việc trực tiếp hoặc tận dụng mối quan hệ từ trên ép xuống để chủ đầu tư đưa vào hồ sơ thầu các tiêu chí có lợi cho mình nhất; cản trở sự tham gia của các nhà thầu khác.
Tùy từng trường hợp, các tiêu chí này có thể khác nhau, chẳng hạn khống chế số năm hoạt động; tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm; tỷ lệ doanh thu phí giữ lại/tổng doanh thu phí...
Việc doanh nghiệp bảo hiểm trong vai trò là nhà thầu tìm mọi cách để thắng thầu không quá xạ lạ, nhưng kể cả trong quá trình đấu thầu không có tiêu cực xảy ra thì tình trạng cạnh tranh vô tội vạ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cũng là vấn nạn phải kể tới. Hệ lụy của câu chuyện này là không chỉ khiến việc đấu thầu trở nên vô nghĩa, mà chính người trong cuộc cũng phải thừa nhận là mức giá (phí bảo hiểm) thu về bị ép mạnh xuống, điều khoản bảo hiểm thì mở rộng thêm. Khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn thua lỗ nặng, năng lực hoạt động suy yếu…
Theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, vì cạnh tranh bằng mọi giá khiến giá bỏ thầu ngày càng thấp, thậm chí có trường hợp bỏ giá bằng 1/5 so với phí dự toán. Những trường hợp này, doanh nghiệp trúng thầu chỉ có cách ngồi cầu cho rủi ro không xảy ra, bởi nếu tổn thất, không tính tới phần bồi thường thì chi phí giám định đã lên tới cả trăm triệu đồng. Riêng khoản này đã cao hơn cả phí bảo hiểm thu về.
Bức tranh thầu bảo hiểm năm 2016 đã vén một chút câu chuyện “hậu kỳ” sau những hồ sơ đấu thầu bảo hiểm ra công luận và rất có thể trong năm 2017 sẽ hé lộ thêm những bối cảnh rộng rãi hơn cho một màn diễn từ trước tới nay chỉ người trong cuộc mới biết.