Cần thành lập Ủy ban cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) Bốn nguyên tắc mà NHNN đưa ra cho quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là cần thiết nhưng chưa đủ. Việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với quá trình cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại các DNNN… 
Cần thành lập Ủy ban cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

Bốn nguyên tắc cơ cấu lại, chưa đủ

Ngay sau khi có chủ trương của Đảng về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng và đưa ra bốn quan điểm, nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu này.

Một là, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình, bao gồm các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh quốc tế tầm khu vực; ngân hàng vừa và nhỏ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trong một số phân khúc thị trường.

Như vậy, tiêu chí để xác định đối tượng cơ cấu lại không phải là qui mô lớn hay nhỏ mà là tiêu chí mạnh hay yếu, thông qua đánh giá mức độ an toàn (thể hiện ở mức độ rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và tỷ lệ nợ xấu). Tuy nhiên, việc cho phép một số NHTM giới hạn phạm vi hoạt động phụ thuộc vào qui mô vốn tương tự như ngân hàng khu vực ở các nước phát triển dường như không thực tế ở Việt Nam (ít nhất là trong khuôn khổ đề án tái cơ cấu của NHNN lần này) khi mà quy định đến cuối năm 2011, tất cả các NHTM phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ VND (tương đương gần 150 triệu USD), nghĩa là có quy mô vốn đủ lớn để hoạt động trên phạm vi cả nước trong một thị trường tín dụng ngân hàng có qui mô chưa tới 150 tỷ USD như Việt Nam. Thực tế thì đến gần cuối năm 2011, chỉ còn 3/37 NHTM có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ VND (Bảo Việt, Xăng dầu Petrolimex, Sài Gòn Công thương) nên việc phân loại nhóm các NHTM nhỏ là không cần thiết.

Nguyên tắc thứ hai là đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Nguyên tắc này không cần thiết vì đây là mục tiêu thường xuyên liên tục cần phải đạt tới của tất cả hệ thống ngân hàng chứ không chỉ trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc thứ ba xác định việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan là cần thiết và phù hợp với nguyên tắc chung trong cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình này cần sự can thiệp của NHNN với tư cách cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng, chứ không thể phó mặc cho các NHTM tự sắp xếp.

Cần thành lập Ủy ban cơ cấu lại hệ thống ngân hàng ảnh 1

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc xử lý tài sản, đặc biệt là các nghĩa vụ nợ là phức tạp và khó khăn nhất

Những nội dung này phần nào đã thể hiện trong nguyên tắc thứ tư mà NHNN nêu ra là cơ cấu lại ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể.

Bốn nguyên tắc của NHNN về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nêu trên là rất cần thiết, nhưng theo tôi, vẫn bổ sung một số nguyên tắc, quan điểm không kém phần quan trọng:

-   Việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với quá trình cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và với quá trình cơ cấu lại các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn tổng công ty (Bởi lẽ, vốn đầu tư của các DNNN hiện chiếm trên 20% đầu tư công và các DNNN cũng chiếm trên 30% tổng tín dụng, chưa kể các DNNN cũng đồng thời là khách hàng chủ yếu của tổ chức tín dụng nhà nước thông qua VDB với qui mô tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Mặt khác, nhiều tập đoàn tổng công ty nhà nước đã tham gia đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp ra ngoài ngành vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…

- Quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn kết với việc cơ cấu lại toàn bộ hệ thống tài chính;

 - Cần có sự tham gia của các NĐT nước ngoài vào hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam để làm cơ sở cho các NHTM thực hiện cơ cấu lại.

- NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản cả trước, trong và sau khi cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để thực sự lành mạnh hóa hệ thống khi kết thúc tiến trình cơ cấu lại.

 

Cần thành lập ủy ban về cơ cấu lại

Với việc ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 và Thông tư số 34/2011/TT-NHNN ngày 28/10/2011, rõ ràng NHNN đã chuẩn bị đầy đủ, chi tiết, cụ thể khuôn khổ pháp lý cho các phương thức cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, để mỗi NHTM căn cứ vào tình hình cụ thể, vào chiến lược phát triển của mình để lựa chọn phương thức tham gia vào tiến trình cơ cấu lại.

Bên cạnh việc hướng dẫn các NHTM, các tổ chức tài chính thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục cơ cấu lại trong các Thông tư nêu trên, NHNN cần chủ trì thành lập Ủy ban Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, để thống nhất sự phối hợp giữa các bên liên quan; tập trung xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình cơ cấu lại; thống nhất hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các hồ sơ đề án sáp nhập, hợp nhất, mua lại, rút giấy phép, thanh lý tài sản, giám sát, điều chỉnh quá trình cơ cấu lại; Thống nhất ban hành quyết định cơ cấu lại và chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng của quá trình cơ cấu lại. 

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kể cả dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay cho giải thể, phá sản thì xử lý tài sản, đặc biệt là các nghĩa vụ nợ là phức tạp và khó khăn nhất. Việc đánh giá chất lượng và xác định giá trị tài sản không hề đơn giản nên NHNN cần bổ sung các phương thức xử lý tài sản trước, trong và sau quá trình cơ cấu lại với một thể chế rõ ràng để đảm bảo nguyên tắc hợp lý, công bằng, an toàn, chính xác và tránh thất thoát.

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng lần này nằm trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nên có thể nói là chưa có tiền lệ ở Việt Nam . Chính vì vậy, quá trình cơ cấu lại cần tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của những lần đổi mới sắp xếp lại hệ thống ngân hàng Việt Nam trước đó cũng như kinh nghiệm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của quốc tế. Mặt khác, tiến trình này này cần được triển khai dựa trên những nguyên tắc, quan điểm, phương thức, lộ trình phù hợp với tình hình thực tế mới và mục tiêu mới là xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tốt nhất trong vai trò trung gian tài chính không chỉ trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam mà còn vươn ra thị trường tài chính ngân hàng quốc tế.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh

Tin cùng chuyên mục