Cẩn thận trước trò lừa đảo bằng chiêu cho vay vốn

Trong lúc này, việc tìm vốn rẻ để duy trì sản xuất, kinh doanh được hầu hết doanh nghiệp (DN) quan tâm. Lợi dụng điểm này, nhiều vụ lừa đảo từ những người nước ngoài đã được thực hiện, khiến không ít DN Việt Nam dở khóc, dở mếu.
Hiện trong nước đang có nguồn vốn giá rẻ để vay, không lý do gì DN trong nước phải chạy theo những lời chào mời từ nước ngoài. Hiện trong nước đang có nguồn vốn giá rẻ để vay, không lý do gì DN trong nước phải chạy theo những lời chào mời từ nước ngoài.

Trong hội thảo “Giải pháp vượt qua suy thoái và phòng chống rủi ro, lừa đảo trong kinh doanh” do Báo Người Lao Động cùng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển hợp tác xã, DN vừa và nhỏ miền Nam phối hợp tổ chức, diễn ra sáng 2/4 tại TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFS) cho biết: Cho đến thời điểm này, NFS nhận được hơn 2.000 bộ hồ sơ xin cho vay vốn từ nước ngoài với những lý do rất thuyết phục, tuy nhiên toàn bộ đều là lừa đảo.

 

Khủng hoảng, người cho vay vốn tăng lên?

 

Tiến sĩ luật Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC, cho rằng, trong cơn khát vốn trong thời buổi suy thoái như hiện nay, có một số đối tác từ nước ngoài chào mời vay vốn với lãi suất rẻ, vì thế không ít DN Việt Nam dễ dàng bị mắc bẫy.

 

Mới vài ngày trước, giới DN xôn xao vì thông tin một DN nước ngoài có 12.000 tỷ đồng đang nằm trong Ngân hàng City Bank tại Việt Nam. Lượng vốn này đang chờ người vay với lãi suất chỉ 8%/năm. Tuy nhiên, ông Nghĩa khẳng định đây là thông tin lừa đảo 100%.

 

Cách đây không lâu, một tập đoàn của Singapore sang Việt Nam thông báo cần gửi số tiền 300 triệu USD vào một ngân hàng hoặc quỹ đầu tư.

 

Sau một thời gian sẽ rút vốn để đấu thầu một khu đất tại TP.HCM. Khi thông tin này được loan đi, nhiều ngân hàng đã tổ chức săn đón, đưa “đối tác” đi tham quan, ăn chơi khắp nơi để lấy được chữ ký.

 

Tuy nhiên, khi NFS yêu cầu Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam xác minh thì không có một tập đoàn nào của nước này đầu tư vào Việt Nam với số vốn quá 50 triệu USD. Sau tập đoàn này, nhiều phái đoàn khác cũng với “chiêu” tương tự đến Việt Nam trong thời gian gần đây.

 

Tuy không lừa đảo để trực tiếp lấy tiền, nhưng những phi vụ kiểu này làm DN Việt Nam hao tốn thời gian cũng như tiền bạc cho các cuộc ăn chơi, du lịch.

 

Khủng hoảng lớn, cơ hội càng lớn

 

Theo TS. Lê Đăng Doanh, đa số DN Việt Nam thuộc dạng nhỏ và vừa, chính vì vậy kiếm được một đối tác nước ngoài là mừng. “Các DN trong nước thường đánh lẻ, ăn xổi, không muốn cho DN khác biết, nên dễ bị lừa” - ông Doanh nói.

 

Ông Doanh cho biết thêm, vừa qua có một DN từ Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư thu mua cà chua. Tuy nhiên, đến khi cà chua có thể thu hoạch thì các DN Trung Quốc lặn mất tăm. Khi xem lại hợp đồng chỉ thấy ràng buộc nghĩa vụ của bên bán mà không có một điều khoản nào ràng buộc đối với bên mua. “Các DN Việt Nam thường bị lừa bởi những đối tác không có thực, sơ hở về pháp lý” - ông Doanh khẳng định.              

 

Ông Nghĩa khuyến cáo, các DN Việt Nam nên tìm đến những ngân hàng trong nước để được hướng dẫn vay vốn với lãi hỗ trợ. Bởi hiện gói kích cầu của Chính phủ đã có hơn 100.000 tỷ đồng được “bơm” cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng.

 

Đây là nguồn vốn chính thức mà DN có thể tiếp cận để phát triển. Ông Nghĩa dẫn chứng, trong đợt suy thoái kinh tế năm 1997, Viettel chỉ có khoảng 55 tỷ đồng, trong đó có vốn vay giá rẻ từ Chính phủ, tuy nhiên hiện nay tập đoàn này đã có trong tay hơn 5.000 tỷ đồng.

 

Ông Nghĩa cho biết thêm, sắp tới Chính phủ sẽ điều chỉnh bù lỗ lãi suất cho cả vốn lưu động và vốn cố định đối với tất cả nhà đầu tư trong vòng 2 năm chứ không phải đến tháng 12/2009. Đây là cơ hội hiếm, do đó DN Việt Nam phải biết tận dụng ngay.


VNN

Tin cùng chuyên mục