Cần tăng vốn thêm 1,8 - 2 lần, 3 ngân hàng lớn lấy đâu ra tiền?

(ĐTCK) Tăng vốn tự có luôn là áp lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua, nhằm bảo đảm yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Basel II đến năm 2020.
Nhiều ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án tăng vốn, trong đó phương án tăng vốn của Vietcombank đã được Thủ tướng chấp thuận Nhiều ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án tăng vốn, trong đó phương án tăng vốn của Vietcombank đã được Thủ tướng chấp thuận

CAR toàn hệ thống giảm

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có rủi ro điều chỉnh là 8%. Tuy nhiên, hiện toàn hệ thống có 9/118 TCTD âm vốn tự có.

Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống đạt khoảng 12,3%. Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các TCTD chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3%, trong khi vốn tự có ước tăng 4,6%.

“Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của các TCTD là rất lớn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu”, một lãnh đạo cao cấp UBGS chia sẻ.

Theo chủ trương thí điểm áp dụng Basel II với 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống thì thời điểm thực hiện quy định an toàn vốn (CAR) sẽ được triển khai từ tháng 9/2017 và một trong các yêu cầu mà các ngân hàng phải tuân thủ là hệ số CAR từ 8% trở lên.

Để đảm bảo vốn đúng theo Basel II, tổng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng phải tăng 1,8 - 2 lần từ nay đến 2020. Đây sẽ là một cảnh báo, một thách thức rất lớn

- Ông Nguyễn Xuân Thành,

Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam   

Tuy nhiên, theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định CAR đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/1/2020, ngân hàng không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%. Như vậy, hệ số CAR đã được điều chỉnh giảm từ mức 9% đang áp dụng xuống còn 8% sau 3 năm nữa.

Dù vậy, thực tế thị trường cho thấy, các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II.

Nhìn vào 10 ngân hàng tham gia thí điểm, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định như ACB, VIB, Techcombank... Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ chịu áp lực tăng vốn lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Nỗ lực tăng vốn bằng phát hành trái phiếu dài hạn

Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu…

Ông Hoàng Văn Cương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu dài hạn với sự thành công của nhiều ngân hàng như ACB, VietinBank, LienVietPostBank, VPBank, Vietcombank, NCB.

Cụ thể, cuối tháng 11 vừa qua, VietinBank thông báo thực hiện chào bán thành công trái phiếu ra công chúng đợt 1/2017 với số lượng là 200.000 trái phiếu, tổng mệnh giá trái phiếu phát hành là 2.000 tỷ đồng và thời hạn là 10 năm.

Cần tăng vốn thêm 1,8 - 2 lần, 3 ngân hàng lớn lấy đâu ra tiền? ảnh 1

VietinBank vừa chào bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. 

Trước đó, VietinBank đã phát hành tổng cộng 18.300 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 16.300 trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm và 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm.

Hay BIDV từ giữa năm 2017 cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2017 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Cương, biện pháp này thực sự không hiệu quả bởi: thứ nhất, giải pháp này chỉ giúp các ngân hàng giải quyết tình thế  trong ngắn hạn; thứ hai, làm tăng áp lực chi phí vốn do lãi suất trái phiếu cao hơn mức 1 - 2%/năm lãi suất huy động thông thường và do sự cạnh tranh huy động vốn bằng trái phiếu từ các định chế tài chính khác; thứ ba, phần lớn các trái phiếu này được các ngân hàng đầu tư lẫn nhau, dẫn đến tình trạng gia tăng sở hữu chéo giữa các ngân hàng; thứ tư, theo Thông tư 41, những ngân hàng đang sở hữu lượng trái phiếu cấp 2 của các ngân hàng khác với số lượng lớn sẽ đối mặt với áp lực suy giảm vốn tự có cấp 2 từ năm 2020 trở đi khi phải loại trừ khoản đầu tư này.

Giải pháp nào cho việc tăng vốn?

UBGS cho biết, đã tiến hành xây dựng mô hình dự báo nhu cầu vốn tự có hàng năm đối với 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietinbank, BIDV và Vietcombank để ước lượng nhu cầu vốn giai đoạn năm 2018 - 2020.

Mô hình được xây dựng trên các giả định: tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 14 - 18%/năm; đáp ứng tỷ lệ CAR là 8%; và tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản áp dụng Basel II khoảng 65% - 95%.

Kết quả mô hình cho thấy, tới cuối năm 2020, do nhu cầu vốn tự có tăng thêm là rất lớn, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Do đó, các TCTD này cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020.

“Để đảm bảo vốn đúng theo Basel II, tổng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng phải tăng 1,8 - 2 lần từ nay đến 2020. Đây sẽ là một cảnh báo, một thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh.

Cần tăng vốn thêm 1,8 - 2 lần, 3 ngân hàng lớn lấy đâu ra tiền? ảnh 2

Trước tình trạng này, ông Cương khuyến nghị các biện pháp cụ thể. Đầu tiên, bản thân các ngân hàng thương mại nhà nước cần tăng cường quản lý rủi ro để giảm được chi phí dự phòng rủi ro (là khoản mục chi phí rất lớn trong hoạt động kinh doanh). Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng là giải pháp quan trọng giúp tăng cường vốn chủ sở hữu.

Tiếp theo, cần đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác chiến lược tiềm năng như Vietcombank, BIDV đang thực hiện. Đồng thời, các ngân hàng nên áp dụng triệt để và kiên định với giải pháp giữ lại cổ tức để tăng vốn điều lệ, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng cường quy mô vốn điều lệ.

Có thể thực hiện các lựa chọn khác như phát hành cổ phiếu ưu đãi hay cổ phiếu không có quyền biểu quyết và phát hành trái phiếu tăng vốn (được tính vào vốn tự có phần giá trị trái phiếu tối đa bằng 50% vốn cấp 1), nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thu hút nhà đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược.

Cũng theo UBGS, về phía hỗ trợ từ chính sách, việc tăng vốn được tạo điều kiện thuận lợi qua quyết định số 1058/QĐ-TTg ban hành trong năm 2017. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020, lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tốt.

“Các TCTD đã chủ động xây dựng phương án tăng vốn, trong đó riêng phương án tăng vốn Vietcombank đã được Thủ tướng chấp thuận. Việc tăng vốn của các TCTD sẽ diễn ra thuận lợi hơn do lợi nhuận năm 2017 khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện và kỳ vọng vào xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Quốc hội”, một lãnh đạo cao cấp của UBGS đánh giá lạc quan.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục