Nhiều địa phương kêu khó
Tại hội nghị trực tuyến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 24/9 vừa qua, câu chuyện tắc tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT lại được đặt ra.
Nỗi lo này của các địa phương xuất phát từ việc cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Đầu tháng 8, cơ quan này có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.
Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các dự án BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc thì các dự án đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, để triển khai các dự án hạ tầng, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền cực lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công…, trong đó nhiều hạng mục của dự án thậm chí phải chi tiền triển khai trước khi các hợp đồng được ký kết.
Về vấn đề này, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho rằng: “Nghị định 15/2015 về các hình thức đối tác công tư ra đời 3 năm nay. Đối tác công tư có bảy hình thức nhưng BT là làm nhiều nhất. Nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể thì TP.HCM không thể hoàn thành kế hoạch huy động thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa vào phát triển hạ tầng”.
Cùng gặp khó với vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, địa phương này mới giao thêm 5 dự án BT và các nhà đầu tư cũng đang trong tình trạng nghe ngóng chính sách mới.
Tại Hà Nội, theo khẳng định của vị này, việc thực hiện các dự án BT đều tuân thủ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước… Theo đó, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện nhiều địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên… cũng cho biết, đang gặp khó do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trả quyền lợi đối ứng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng chính đến quá trình kêu gọi đầu tư của các địa phương này.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, sự chậm trễ này cũng gây thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn người dân vì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ tạm dừng để nghe ngóng trước khi có quyết định mới.
“Nếu tạm dừng trả quyền lợi đối ứng đối với hình thức đầu tư này vô thời hạn thì nhà thầu kiêm nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Do đó, theo tôi, công trình, dự án BT được lựa chọn theo đúng quy định, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho tiếp tục triển khai bình thường.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện kiểm toán lại công trình đó để đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau này, với các quỹ đất đối ứng có thể đưa ra đấu giá và lấy tiền thanh toán lại cho nhà thầu.
Vì bản chất của BT là bàn giao công trình và nhận tiền, nhưng không có tiền nên thanh toán bằng quỹ đất thay thế”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico cũng cho rằng, việc thanh toán quyền lợi đối ứng cho các công trình BT vẫn phải theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới.
“Nếu xuất hiện khoảng trống pháp lý khi văn bản cũ đã hết thời hạn quy định trong khi văn bản mới chưa được ban hành, thì cần áp dụng theo các quy định cũ đó chứ không nên làm ách tắc cho công việc, hoạt động của người dân, doanh nghiệp”, ông Đức phân tích.
Theo vị luật sư này, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành ngày 4/5/2018 và có hiệu lực vào ngày 19/6/2018, trước đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hình thức đối tác công tư ngày 14/2/2015 đã có hành lang pháp lý cho việc này.
Theo đó, Nhà nước vẫn phải thanh toán toàn bộ giá công trình đã đầu tư, bao gồm cả mức lợi nhuận được hai bên thỏa thuận theo hợp đồng đã ký trước đó.
Ngay bản thân Dự thảo nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư BT đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ cũng có một điều khoản chuyển tiếp về vấn đề này.
“Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án khác được ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật trước đó, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại nghị định này”, luật sư Trương Thanh Đức nói và phân tích thêm, nếu theo nguyên tắc không hồi tố thì văn bản tạm dừng chuyển giao quyền lợi đối ứng dự án BT để chờ quy định mới cũng khó được các nhà đầu tư và các địa phương chấp thuận.
Ông Châu nói thêm, điều gây nhiều băn khoăn là quyết định dừng trả quyền lợi đối ứng được ban hành khi nhiều dự án ở tình trạng “gạo đã nấu thành cơm”.
Do đó, không chỉ nhà đầu tư, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lúng túng, gặp khó khăn trong phương án tài chính hoàn vốn dự án vì các hợp đồng BT đã được ký kết, thực hiện trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và công văn chỉ thị của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Cần sớm có hành lang pháp lý
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Ths. Nguyễn Thanh Bình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, trong phát triển giao thông, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách dưới các hình thức BOT, BT được coi là giải pháp mạnh để huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn. Và thực tế ở nước ta, nhiều công trình giao thông lớn đã và đang được thực hiện từ các nguồn vốn này.
“Cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài khai thác tối đa các cơ hội đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Đổi mới hình thức PPP trong thu hút đầu tư, chẳng hạn như áp dụng các công cụ hỗ trợ đa dạng: Trợ giá xây dựng, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, trợ giá vận hành, thời hạn chuyển giao dài”, ông Bình nhấn mạnh.
Là địa phương vừa bị dừng 5 dự án theo hình thức BT và nhiều dự án khác dự định triển khai kêu gọi đầu tư theo phương thức này, ông Ngô Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho rằng:
“Việc này cần có quyết định sớm vì nếu chậm thì chủ đầu tư sẽ tính lãi theo từng ngày. Trong khi chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư”.
Bàn về câu chuyện BT, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Về phương thức không có gì phải bàn, đây là dạng phương thức đặc thù của mô hình PPP, được áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam.
Về bản chất, đây cũng là một phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng. Nói cách khác, tôi làm hạ tầng, anh trả tôi bằng tiền hoặc bằng đất và là mối quan hệ sòng phẳng. Vấn đề là phương thức triển khai cần được minh bạch hơn”.
Đồng quan điểm cho rằng phương thức đối tác công tư vẫn là “con đường lớn” để phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Mặt được của dự án BT là huy động được nguồn vốn xã hội hoá, tư nhân. Do đó, rất nên tạo khung pháp chế sớm để thực hiện BT, BOT nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, có giám sát độc lập”.
Chia sẻ với báo chí về quyết định tạm đình chỉ chuyển giao quyền lợi đối ứng cho dự án BT, GS.Đặng Hùng Võ cho rằng, không thể bắt các hoạt động kinh tế - xã hội đang cấp tập phải “ngừng lại” chờ đợi. Bởi như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, công sức của tất cả các bên: Nhà đầu tư, Nhà nước và cả người dân.
Tiếp đó, khi các hợp đồng BT đã được đề xuất, hình thành, quyết định và ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành thì không thể dừng lại.
“Tôi cho rằng, các địa phương cứ thực hiện những dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Những vấn đề có liên quan tới đất đai thanh toán cho nhà đầu tư hạ tầng được giải quyết theo các quy định của Luật Đất đai 2013”, ông Võ nhấn mạnh.