Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo "Kinh tế Việt
Thực tiễn hoạt động của các DN cho thấy, khi đối mặt với một tình huống vướng mắc trong quá trình kinh doanh thì cần cơ quan quản lý nhà nước có phán quyết rõ ràng, nhất quán. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp rơi vào tình trạng cơ quan này "nói đông", trong khi cơ quan khác lại "nói tây".
Lý giải về tình trạng này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn nhận, trở ngại lớn nhất là quan điểm, nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, làm nảy sinh tình trạng "ông chẳng bà chuộc" trong các văn bản pháp luật. Đây là một nhược điểm lớn của hệ thống luật pháp, tuy đã được phát hiện từ nhiều năm nay, nhưng xem ra vẫn chưa khắc phục được.
"Đơn cử như chủ trương phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh cấp phép các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tăng tính năng động, sáng tạo và quyền tự chủ cho các địa phương. Nhưng điều này đã làm nảy sinh không ít vấn đề, nhất là vì lợi ích cục bộ của mình mà không ít địa phương đã có những chính sách vượt rào, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật chung, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh", ông Mại nói.
Làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng chính sách quản lý còn thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ nhìn nhận, cùng với quá trình phân cấp trên nhiều lĩnh vực mạnh hơn cho các địa phương, sự chỉ đạo, hướng dẫn từ trên xuống giảm dần, hoặc nếu có thì rơi vào tình trạng chung chung. Trong khi đó, các cấp quản lý cơ sở thường có hệ thống thông tin quản lý không đầy đủ, DN khó tiếp cận. Đó là chưa kể vấn nạn cơ quan quản lý ở cơ sở luôn "nhiệt tình" ban hành những thủ tục hành chính khó hiểu, làm sai lệch, méo mó những định hướng tốt. Đối với không ít trường hợp, tình trạng này đã khiến DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng "kêu" mãi cũng chẳng tới đâu.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia kiến nghị, để giúp DN cũng như nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, bộ máy quản lý các cấp cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong hoàn chỉnh hệ thống chính sách đảm bảo minh bạch, thân thiện với DN. Đặc biệt là cần mở "rộng cửa" cho DN tiếp cận thông tin của cơ quan quản lý một cách dễ dàng hơn.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, để góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh tối ưu hơn cho DN, đã đến lúc cần thiết lập cơ chế tiếp cận thông tin minh bạch và hợp lý từ các cơ quan nhà nước. Trong đó, quy định những thông tin nào DN, người dân được tiếp cận. Kèm theo đó, cần làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng coi thông tin là tài sản riêng của cơ quan, không cho phép DN được dễ dàng tiếp cận như hiện nay. Để bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin trong khuôn khổ pháp luật cho phép, cũng nên có những quy định làm rõ trách nhiệm của các đối tượng được tiếp cận thông tin trong việc sử dụng thông tin liên quan…
Tuy việc triển khai thực hiện những nỗ lực trên là điều khó khăn, bởi nó đòi hỏi những thay đổi cơ bản về thái độ của các cơ quan nhà nước đối với quyền tiếp cận thông tin của DN, cũng như những cải cách trong cơ chế tiếp cận thông tin công, nhưng ông Huỳnh cho rằng, nếu vì khó khăn này mà chùn bước thì sẽ rất khó tạo lập được hệ thống chính sách điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, tiết kiệm chi phí cho DN. Theo ông Huỳnh, chính sách tốt nghĩa là tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ, không chỉ trực tiếp góp phần giảm chi phí kinh doanh cho DN, mà quan trọng hơn là giúp họ tận dụng cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn.
Coi minh bạch trong xây dựng và tiếp cận chính sách là điều tối quan trọng để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính DN, Trường đại học Kinh tế TP. HCM lưu ý, muốn xây dựng thành công hệ thống chính sách minh bạch, tạo được niềm tin cho đối tượng bị điều chỉnh, thì không chỉ bằng lời nói, hô hào, hoặc chỉ bàn thảo trong phạm vi hẹp. Ngược lại, cần lấy ý kiến rộng rãi, để khi chính sách có giá trị thực thi không được dễ cho cơ quan quản lý, khó cho DN, đồng thời không bị "vênh" với thực tiễn.