Cần nỗ lực gỡ khó một số ngành đầu tàu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hiện nay có một số điểm tích cực mà nếu vận dụng tốt, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP tiệm cận con số mục tiêu, từ đó tạo nền tảng cho sự tăng trưởng trong trung hạn. 
Cần nỗ lực gỡ khó một số ngành đầu tàu

Ông bình luận thế nào về kết quả kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố?

Số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 4,14% và 3,72%, là mức gần thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020, giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37% - là những con số thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023. Cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng xuất khẩu vẫn giảm tốc, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và lao động tại khu vực này.

Theo báo cáo của ngành lao động, số lượng người lao động nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng tại nhiều địa phương vốn là thủ phủ của hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Đã có nhiều người phải rời bỏ thị trường lao động do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Riêng ở Hà Nội, 6 tháng đầu năm, có tới 54.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

Điều đó phản ánh tình trạng khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế và doanh nghiệp, người lao động đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một số điểm sáng như các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động bắt đầu gia tăng, tiêu dùng tư nhân vẫn duy trì tốc độ tăng, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh, ngành dịch vụ phục hồi đáng khích lệ. Đây là những nền tảng quan trọng để nền kinh tế duy trì nền tảng ổn định và bứt phá khi xuất hiện các yếu tố thuận lợi của thị trường.

Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 4,7-5,5%, so với mục tiêu tăng là 6 - 6,5%. Ông bình luận gì về điều này?

Số liệu vĩ mô quý II cho thấy nền kinh tế đã bớt khó khăn hơn tháng trước, quý trước, nhưng vẫn nằm trong vùng đáy. Vùng đáy này còn có thể kéo dài một thời gian nữa do các chưa có dấu hiệu nào mang tính đột phá cho thấy nền kinh tế sẽ bứt tốc, đảo ngược xu thế tăng trưởng chậm hiện nay.

Mặc dù trong quý II, khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I/2023, đạt mức tăng 1,56%, tuy nhiên, toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo các năm trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế, nay chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37% do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ…) sụt giảm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu tích cực nào từ nhu cầu thị trường thế giới để đảo ngược tình trạng suy giảm, thiếu hụt đơn hàng đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, với mức tăng 6,11% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng trưởng khá tốt, đạt 3,25% so với cùng kỳ sẽ giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Nhưng để vượt lên mức tăng trưởng thấp như hiện nay, rất cần có sự hồi phục mạnh mẽ trở lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Vì thế, tôi cho rằng, tình hình có thể sẽ không xấu hơn, nhưng để hoàn toàn thoát đáy thì còn phụ thuộc vào sự phục hồi của ngành chế biến chế tạo và đặc biệt là sự phục hồi của thị trường toàn cầu và nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ Việt Nam.

Mục tiêu tăng GDP năm nay ở mức 6 - 6,5% rõ ràng là rất thách thức. Hiện đã qua nửa năm mà GDP vẫn ở mức thấp như vậy thì mục tiêu 9% và 10,3% trong quý cuối năm (theo hai kịch bản tăng GDP 6% và 6,5%) là rất khó khăn. Đặc biệt, nền kinh tế toàn cầu hiện chưa có dấu hiệu phục hồi, trong đó những nền kinh tế là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… chưa phục hồi rõ rệt thì xuất khẩu của Việt Nam đến những thị trường này cũng khó có thể thể tăng mạnh trở lại trong vài tháng tới.

Tình hình kinh tế có thể sẽ không xấu hơn, nhưng để hoàn toàn thoát đáy thì còn phụ thuộc vào sự phục hồi của ngành chế biến chế tạo và đặc biệt là sự phục hồi của thị trường toàn cầu.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Khác với một số giai đoạn khó khăn trước đây, nền kinh tế Việt Nam hiện có những điểm mạnh đáng kể như sự ổn định về kinh tế vĩ mô, đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, các khu vực dịch vụ hay nông, lâm nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, đầu tư tư nhân đang trên đà phục hồi trở lại.

Cơ sở hạ tầng đang thay đổi từng tháng và các nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh vẫn đang được kiên trì thực hiện. Lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn được duy trì mạnh mẽ. Đây là các cơ sở để nền kinh tế Việt Nam có thể đảo ngược tình trạng tăng trưởng thấp một cách nhanh chóng khi điều kiện thị trường toàn cầu tốt hơn, từ đó đưa mức tăng trưởng GDP tiệm cận con số mục tiêu hơn, từ đó tạo nền tảng cho sự tăng trưởng trong trung hạn.

Mức tăng trưởng 4,7 - 5,5% trong năm nay của Việt Nam như dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng không phải là mức quá thấp so với bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay và khi so sánh với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Dù với mức tăng trưởng nào, điều quan trọng vẫn là duy trì được các nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn như các cân đối lớn của nền kinh tế, sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng, chất lượng của môi trường kinh doanh, môi trường thể chế và duy trì niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các chỉ số vĩ mô của Việt Nam đang ổn định, lạm phát trong tháng 6 chỉ còn 2%. Theo ông lãi suất có còn dư địa giảm thêm?

Bối cảnh hiện nay đang mở ra thêm dư địa cho chính sách tiền tệ. Theo tôi, dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô (chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng…), điều kiện về huy động vốn cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và những cân đối tổng thể khác của nền kinh tế, Nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp.

Mặt khác, chính sách tiền tệ vẫn phải luôn song hành với chính sách tài khoá. Hoạt động đầu tư công, chính sách về thuế, phí, lệ phí cũng cần được thực hiện hiệu quả. Từ đó, chúng ta có thể tránh phụ thuộc vào công cụ tiền tệ, hoặc tạo sức ép đẩy mạnh vốn tín dụng vào thị trường trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế, dẫn đến nhiều khoản cho vay dưới chuẩn và có thể gây rủi ro tới gia tăng nợ khó đòi trong tương lai.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông, bối cảnh này chúng ta nên lưu tâm điều gì?

Nhà nước cần có định hướng cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu đã thay đổi của thị trường toàn cầu cũng như sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

So với 4 - 5 năm trước (giai đoạn chưa có đại dịch), nhu cầu của thị trường thế giới dường như đã thay đổi khá nhiều. Các quy định mới đây của EU sẽ thay đổi nhiều về hành vi tiêu dùng của người dân châu Âu với sản phẩm dệt may hay đồ gỗ. Sự cạnh tranh từ các nền kinh tế khác như Bangladesh, Campuchia trong một số ngành như dệt may đã trở nên khốc liệt hơn trước rất nhiều.

Mặt khác, cơ cấu kinh tế của Việt Nam cũng đã thay đổi. Chi phí lao động của Việt Nam đã tăng. Ngay ở trong nước, cạnh tranh về lao động giữa một số ngành như dệt may, da giày hay điện tử, cơ khí cũng đã đẩy chi phí lao động lên cao.

Một số ngành chủ yếu dựa trên lợi thế lao động giá rẻ không còn duy trì được lợi thế này nữa. Những thay đổi trên khiến doanh nghiệp của chúng ta không thể giữ mô hình tăng trưởng như cũ mà cần phải có sự tái cơ cấu, dịch chuyển.

Các cơ quan bộ, ngành hay hiệp hội doanh nghiệp cần cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin định hướng này và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình dịch chuyển, và tái cấu trúc để có thể duy trì chặng đường phát triển bền vững của mình.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục