Hướng đến những mục tiêu tham vọng hơn
Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Đây là một trong 2 cuộc họp thẩm định quy hoạch tỉnh đầu tiên trong cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch. Trước đó, ngày 22/3, cuộc họp tương tự với quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã diễn ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.
Theo Báo cáo tóm tắt quy hoạch, Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung Bộ rộng gần 6.000 km2. Dân số của tỉnh hiện tại là khoảng 1,3 triệu người, GDRP bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,33 triệu đồng.
Hà Tĩnh lại có vị trí chiến lược với 164 km đường biên giới, là cửa ngõ đến Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tỉnh cũng có 137 km đường ven biển, sở hữu Cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương công suất tối đa 50.000 DWT, chỉ mất 1,25 giờ để đến sân bay Vinh và hệ thống đường bộ liên tỉnh và trong tỉnh đang được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.
Cũng theo báo cáo Quy hoạch, Hà Tĩnh đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững bởi địa phương từng chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự cố môi trường, do đó, Quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.
Bên cạnh những yếu tố bất lợi như kinh tế nhỏ lẻ và phân mảnh, nguồn lực con người còn hạn chế, xa các cụm công nghiệp lớn trong nước…, tỉnh xác định một số lợi thế thúc đẩy khác như mạng lưới nhân tài gốc Hà Tĩnh; vị trí và các cảng chiến lược; vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định Quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, bài bản, nhưng còn rất nhiều nội dung cần bổ sung, làm sao để phát huy được tiềm năng địa phương, thích nghi, ứng phó với thiên tai.
Tỉnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Minh Trang) |
Theo ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo quy hoạch của Hà Tĩnh đã đánh giá được toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, cũng như những tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, báo cáo cũng cần bổ sung và làm rõ một số vấn đề.
Góp ý dự thảo quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, thu nhập bình quân của Hà Tĩnh hiện đã thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Do đó, sau 5 năm không nên so sánh với các tỉnh Bắc Trung Bộ, đồng thời Hà Tĩnh nên đưa ra mục tiêu cụ thể hơn về tăng trưởng, ví như lọt vào top 20 tỉnh có kinh tế mạnh nhất cả nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Tĩnh cần xác định được bản đồ quy hoạch một cách rõ ràng để thu hút đầu tư. Trong đó, cần tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai, từ đầu tư hạ tầng, cảng biển, cần có bài toán… Khi nhà đầu tư nhìn thấy các quy hoạch được rõ ràng, cũng là hình thức quảng bá thu hút đầu tư của tỉnh.
Cần tính toán kỹ về quy hoạch sân bay, cao tốc Vũng Áng - Cha Lo
Một nội dung được đề cập trong Báo cáo quy hoạch lần này, đó là tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung tuyến đường bộ cao tốc Vũng Áng - Cha Lo dài 102 km, nhằm kết nối khu kinh tế Vũng Áng với Lào và Đông Bắc Thái Lan và xây dựng sân bay Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Trọng Thắng, “báo cáo quy hoạch chưa làm rõ được sự cần thiết và luận cứ thuyết phục trong việc đề xuất xây dựng sân bay và tuyến đường bộ này”.
Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Tĩnh cần tập trung đến vấn đề liên kết vùng. Đối với cao tốc Vũng Áng - Cha Lo phụ thuộc vào Bộ Giao thông - Vận tải, song cần nghiên cứu, tính toán kỹ hơn về lưu lượng.
“Bây giờ có một vấn đề, tỉnh nào cũng ồ ạt xin làm sân bay và cao tốc. Tôi rất quan ngại, vì cao tốc rất tốn tiền, 102 km bằng từ đây (Hà Nội - PV) đến Hải Phòng, nếu làm được phải mất ít nhất 30.000 tỷ đồng. Số tiền này lấy đâu ra, có thực tiễn không?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Về sân bay, ông cho biết “đã phản đối rất nhiều lần rồi” và cho rằng, Hà Tĩnh không nên đặt vấn đề làm sân bay ở đây, mà nên tận dụng sân bay Vinh (Nghệ An) để tạo lợi thế phát triển.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với cả 2 dự án này cần tính toán kỹ, và nếu có thì nên để lại sau 2030.
“Thực hiện thì không có nguồn lực mà có làm được cũng không hiệu quả thì rất nguy hiểm”, ông lưu ý.
Theo ông Cao Viết Sinh, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có hàng loạt tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua Hà Tĩnh như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường ven biển…
Tuy nhiên, trong quy hoạch chưa thấy đề xuất hành lang phát triển gắn với các tuyến giao thông này. Ông đề xuất cần tính toán phát triển các hành lang kinh tế đi theo các con đường trên để tận dụng lợi thế phát triển.
PGS-TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội góp ý, trong quy hoạch tích hợp Hà Tĩnh cần cần làm rõ không gian phát triển theo hướng biển, trong đó cần mạnh dạn mở rộng không gian thành phố Hà Tĩnh về phía ra biển, đủ sức để tạo ra “một quả đấm” thực sự cho phát triển kinh tế, tạo chuyển biến cho kinh tế - xã hội. Trong tương lai, khi chín muồi có thể nâng cấp TP Hà Tĩnh lên quy mô loại 1.