Cân nhắc kỹ khi đánh thuế ngôi nhà thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi chờ xây dựng Luật Thuế tài sản, TP.HCM đã kiến nghị cho thí điểm đánh thuế đối với nhà đất từ thứ hai trở đi.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính)

“Phải cân nhắc thật kỹ khi đánh thuế căn nhà, mảnh đất từ thứ hai trở đi”, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) khuyến cáo.

TP.HCM đang nghiên cứu cho phép thí điểm đánh thuế đối với nhà đất từ thứ hai trở đi. Ông cho biết quan điểm về đề xuất này?

Theo tôi, đây là một ý tưởng phi thực tế. Trên thế giới, ngoại trừ Singapore - quốc gia có diện tích nhỏ bé, nên không khuyến khích người dân sở hữu nhiều nhà đất, họ mới đánh thuế đối với nhà đất từ thứ hai trở đi. Đặt trường hợp, có những người chỉ sở hữu một căn hộ, biệt thự hay ngôi nhà duy nhất, nhưng trị giá nhiều chục tỷ đồng, lại không bị đánh thuế, còn người ở nông thôn sở hữu 4-5 mảnh đất, ngôi nhà, nhưng tổng giá trị cộng lại không bằng số lẻ của biệt thự, penthouse, nhà ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào... lại bị đánh thuế do sở hữu nhà đất từ thứ hai trở đi. Điều này là không công bằng.

Xã hội nào, chế độ nào cũng đều mong muốn và tạo điều kiện cho người dân trở nên giàu có, số lượng người trung lưu chiếm đa số trong xã hội. Người dân giàu lên thì có thể sở hữu 2 - 3, hoặc nhiều hơn cơ sở nhà đất, mà lại đi đánh thuế đối với nhà đất từ thứ 2 trở đi là trái với mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Theo ông, còn bất hợp lý ở những điểm nào nữa?

Có được ngôi nhà thứ hai, thứ ba, chủ sở hữu phải làm việc quần quật và phải tiết kiệm trong nhiều năm mới có. Kể cả tài sản được thừa kế thì ông cha họ cũng phải làm việc cả đời mới có, mà lại đi đánh thuế là hết sức vô lý. Trong quá trình tạo ra của cải, người ta đã phải đóng các loại thuế. Khi xây nhà, người ta mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công, thiết bị điện nước... cái gì cũng phải nộp thuế rồi, tại sao lại còn đánh thuế nữa?

Mỗi năm sử dụng, giá trị ngôi nhà sẽ giảm xuống theo tiêu chuẩn xây dựng. Nếu đánh thuế nhà sẽ vô cùng phức tạp vì hàng năm, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà đất phải rà soát lại hàng chục triệu ngôi nhà, căn hộ chung cư các loại, tính toán xem sau mỗi năm giá trị ngôi nhà, căn hộ chung cư còn lại bao nhiêu, rồi nhân với thuế suất. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan thuế.

Mục tiêu của việc đánh thuế nhà đất là để hạn chế đầu cơ. Ý tưởng đánh thuế nhà đất từ căn nhà, mảnh đất thứ hai trở đi không phải là không có cơ sở, thưa ông?

Thị trường không có đầu cơ thì không thể phát triển được, vấn đề là phải quản lý được hoạt động đầu cơ. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có 2-3 đồng, công ty chứng khoán sẵn sàng cho vay 10 đồng để đầu tư (nghiệp vụ Margin). Thị trường chứng khoán phát triển nào cũng cho phép bán khống (bán cổ phiếu mà nhà đầu tư không sở hữu tại thời điểm bán). Thị trường ngoại tệ, dầu mỏ, vàng bạc, kim loại, hàng hóa... đều có hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, tất cả đều nhằm mục đích khuyến khích đầu cơ.

Vậy tại sao lại hạn chế đầu cơ bất động sản? Vấn đề là phải quản lý được tình trạng đầu cơ bất động sản. Đã qua rồi thời kỳ không quản được thì cấm, không cấm được bằng mệnh lệnh hành chính thì sử dụng công cụ thuế, trong khi đó, thuế không phải là “cây đũa thần” có thể điều chỉnh được mọi hành vi trên thị trường.

Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Không đánh thuế nhà, mà đánh thuế đất, vì giá trị ngôi nhà thực ra không lớn (so với giá trị mảnh đất) và giá trị bị giảm dần sau mỗi năm sử dụng. Đánh thuế tất cả mảnh đất phi nông nghiệp, không phân biệt người dân đang quản lý, sở hữu bao nhiêu mảnh đất, diện tích đất đai to nhỏ bao nhiêu.

Đánh thuế dựa vào giá trị của mảnh đất (tài sản) hoặc căn hộ chung cư rất đơn giản, vì hàng năm các địa phương đều công bố bảng giá đất, từng vị trí căn hộ, mảnh đất nằm ở đâu, có giá trị bao nhiêu chính quyền đều nắm rất chắc. Một bà bán nước, một cô bán xôi vỉa hè chính quyền còn nắm được, nên không thể không biết được mảnh đất A, căn hộ B do ai đứng tên chủ sở hữu. Khi biết được chủ căn hộ, bảng giá đất do chính quyền công bố, thuế suất bao nhiêu đã được quy định cụ thể trong luật, nên việc quản lý, thu thuế rất đơn giản.

Nhưng đánh thuế với tất cả đất đai và căn hộ chung cư liệu có hợp đạo lý không?

Tôi khẳng định là hợp đạo lý. Trên thế giới, các nước đều có sắc thuế này và bản thân Việt Nam cũng đang thu thuế đất phi nông nghiệp, bao gồm tất cả đất đai và căn hộ chung cư, căn hộ tập thể, penthouse, biệt thự, không phân biệt người dân đang sở hữu bao nhiêu nhà đất, diện tích bao nhiêu vì dựa vào giá trị của căn nhà, mảnh đất.

Anh sở hữu nhà mặt phố, biệt thự trăm tỷ, “căn hộ triệu đô”, Nhà nước khuyến khích. Nhưng để anh có khối tài sản khổng lồ và sống an yên thì biết bao nhiêu người đang ở biên giới, hải đảo bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ. Khu vực mảnh đất, căn hộ tiền tỷ muốn được bình yên thì phải có lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự đêm ngày. Khối tài sản đó chỉ có giá trị khi mà hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, thuận tiện cho cuộc sống, sinh hoạt và làm việc, vui chơi của chủ sở hữu. Nếu tất cả những điều kể trên không có thì liệu mảnh đất, ngôi biệt thự, căn hộ penthouse có giá trị không? Anh được thụ hưởng lợi ích của xã hội, cộng đồng, Nhà nước đem lại, thì anh phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Người sở hữu nhiều nhà đất, nhà đất có giá trị càng lớn thì càng phải nộp thuế nhiều là hợp đạo lý. Còn thuế suất bao nhiêu thì phải tính toán theo nguyên tắc hợp lòng dân, việc nộp thuế không được ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; quản lý thuế dễ dàng, minh bạch; chống được gian lận, thất thu; bảo đảm công bằng và an sinh xã hội.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục