
Chế độ ưu tiên hiện hành chưa phù hợp
Theo nhận định của Bộ Tài chính, công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5, là động lực phát triển nền tảng cho các tiến bộ về khoa học, công nghệ trong thời đại mới. Mảng công nghiệp này cũng góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định về kinh tế chính trị trước sức ép ngày càng lớn trong cạnh tranh toàn cầu.
Vì lẽ đó, hiện nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và trong nước nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong đó chính sách tạo thuận lợi thương mại, ưu đãi thủ tục hải quan là một phần trong đó.
Các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn có đặc trưng là cần có phản ứng nhanh với thay đổi về công nghệ và nhu cầu thị trường, từ đó các doanh nghiệp này có đòi hỏi cao về thời gian đáp ứng nguồn cung nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, nghiên cứu, phát triển. Thời gian thông quan, thuận lợi về thủ tục hải quan là một nhân tố đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên riêng theo yêu cầu, định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.
Việc áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định hiện hành đòi hỏi quy mô về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn chưa phù hợp với yêu cầu tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao có quy mô đa dạng từ nhỏ, vừa đến lớn; doanh nghiệp bán dẫn, công nghệ cao mới đi vào hoạt động.
Điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục dẫn đến doanh nghiệp phải đợi tối thiểu 2 năm kể từ khi thành lập để đáp ứng điều kiện.
Quy định này dẫn đến không đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi, thu hút đầu tư ngay từ đầu; chưa phù hợp với tốc độ phát triển, đổi mới nhanh của các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.
Xây dựng danh mục để áp dụng ưu tiên
Các điều kiện ưu tiên hiện hành gồm: Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục; có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định.
Tại bàn dự thảo 1 Luật sửa nhiều Luật, trong đó có Luật Hải quan, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật Hải quan về điều kiện chế độ ưu tiên theo hướng bổ sung quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng không áp dụng các điều kiện ưu tiên.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 43 Luật Hải quan về chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao, theo hướng chế độ ưu tiên được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao theo danh mục.
Danh mục này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và có mã số thống nhất với mã số thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Theo pháp luật về hải quan và pháp luật quản lý thuế, chế độ ưu tiên doanh nghiệp được hưởng gồm: miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan, thực hiện thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh, miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, được hoàn thuế trước kiểm tra sau,...