Cần nâng cao tốc độ xuất khẩu

(ĐTCK-online) Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng mới đạt 22,455 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2006, nhưng bình quân mới đạt 3,74 tỷ USD/tháng, trong khi mục tiêu phấn đấu là 4 tỷ USD/tháng. So với kế hoạch cả năm, nửa đầu năm mới đạt 48%.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kế hoạch Xuất khẩu 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu kế hoạch

Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đều tăng so với cùng kỳ năm 2006, song tăng với tốc độ thấp hơn, như xuất khẩu sang Hoa kỳ tăng 23,1% (cùng kỳ năm 2006 tăng 43%), xuất sang EU tăng 25,6% (32%), xuất sang các nước châu Á tăng 11% (23%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, những tác nhân chính kiềm chế tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay là: lượng hàng hoá bị sụt giảm khách quan, việc đầu tư mở rộng sản xuất tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hoá xuất khẩu còn nhiều bất cập, khả năng cạnh tranh của hàng hoá chưa được cải thiện, nhiều rào cản của thị trường xuất khẩu.

Dầu thô là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất, song sự thăng trầm của ngành đã ảnh hưởng rõ rệt đến tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác chỉ đạt 45,9% kế hoạch, nên khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn về vận tải. Cước phí đã tăng 20 - 25 USD /tấn, dẫn đến  gạo Việt Nam khó cạnh tranh hơn. Tác động của việc áp thuế chống bán phá giá của EU đối với xuất khẩu giày da có lẽ đến nay mới thấm, nên xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm vào thị trường này giảm, trong khi xuất sang Nhật, Hoa Kỳ tăng không đáng kể. Với hàng dệt may, phấn đấu xuất khẩu tăng 27% so với năm 2006, nghĩa là mỗi tháng phải đạt 600 triệu USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm mới đạt 3,4 tỷ USD, tức là vẫn chưa đạt yêu cầu.

Với tình hình như vậy, vấn đề đặt ra là phải làm gì để xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Nên chăng, cần kiên trì một số giải pháp dưới đây:

Thứ nhất, khẩn trương triển khai các biện pháp đối với từng nhóm hàng, mặt hàng trong chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có việc quy hoạch để tạo nguồn nguyên liệu vững chắc, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, chế biến thuỷ sản...

Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật sản xuất, chế biến để tạo giá trị gia tăng cho gạo, cà phê, rau quả, chè, hạt điều, hạt tiêu, cao su; đồng thời hạ thấp tỷ lệ xuất hàng thô, giảm sự phụ thuộc vào diễn biến giá cả của thị trường thế giới.

Thứ ba, tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất hàng dệt may, da giày, cơ khí điện tử, với trang bị kỹ thuật hiện đại. Xây dựng các chợ nguyên liệu để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhằm đa dạng hóa chủng loại và hạ giá nguyên liệu.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Có thể bỏ thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bởi 90% số mặt hàng này là xuất khẩu, nên đánh thuế vào mặt hàng này chính là đánh thuế vào người nghèo - đối tượng đang cần hỗ trợ.

Thứ năm, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành, thợ lành nghề cho các lĩnh vực sản xuất.

Thứ sáu, nghiêm ngặt trong việc kiểm tra, giám định hàng hoá, ngay từ nguyên liệu đầu vào, đến dây chuyền sản xuất để có nguồn hàng đảm bảo các chuẩn mực quốc tế.

Thứ bảy, đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm thị trường, đặc biệt là thị trường trực tiếp, tránh qua trung gian. Hoàn chỉnh chiến lược về thị trường và mặt hàng trọng điểm, thị trường và mặt hàng tiềm năng. Nhạy bén nhận biết các rào cản, đấu tranh đảm bảo sự công bằng trong thương mại quốc tế.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, ngăn chặn hành vi gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp trên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được nhiều cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại, tạo nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu.

Nguyễn Duy Nghĩa
Nguyễn Duy Nghĩa

Tin cùng chuyên mục