Cần môi trường đầu tư - kinh doanh "xanh" hơn, bền vững hơn

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài “xanh” hơn, chất lượng hơn, Việt Nam phải xây dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh không chỉ thuận lợi về thủ tục, mà phải “xanh” hơn, bền vững hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Những kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài các tháng đầu năm đang chứng thực cho nhận định được VCCI đưa ra vào đầu tháng 4 rằng, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang khá e dè khi mở rộng đầu tư...

Tỷ lệ 33% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự định tăng quy mô trong năm 2023 theo khảo sát của VCCI là mức sụt giảm rất mạnh. Trước Covid-19, từ năm 2014 đến 2019, con số này chưa bao giờ xuống dưới 45%. Sự thận trọng của các nhà đầu tư có nguyên nhân từ những bất ổn kinh tế toàn cầu và những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước kéo dài sau giai đoạn dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong khảo sát của VCCI, khu vực đầu tư nước ngoài có đánh giá khá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, gánh nặng thực thi quy định đã giảm đáng kể so với các năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ 60,6% năm 2021 xuống còn 49,3% của năm 2022.

Việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% trong năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước.

Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa, vì vẫn có tới 38,5% và 19,2% doanh nghiệp được hỏi phải trả chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục hải quan và đất đai.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư đang kêu khó tuyển dụng cả lao động phổ thông, khó giữ chân những lao động được chính doanh nghiệp đào tạo…

Bối cảnh hiện tại có thể là thời điểm tốt để cơ cấu lại dòng vốn đầu tư nước ngoài, “nắn” dòng vốn vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

Chúng tôi đã nhìn thấy sự chuyển dịch khá tích cực về cơ cấu phân bổ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực. Theo đó, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; 39% trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 7% trong lĩnh vực xây dựng.

Một xu hướng dễ nhận thấy nữa là khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có sự dịch chuyển khỏi ngành may mặc. Năm 2022, số doanh nghiệp dệt may - vốn là ngành thâm dụng lao động và đất đai, từng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành của khu vực đầu tư nước ngoài - đã giảm đáng kể, thay vào đó là sự nổi lên của các doanh nghiệp sản xuất máy tính, thiết bị điện tử, thông tin, truyền thông.

Đặc biệt, năm 2022, chỉ 30,5% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước xuất xứ, mức thấp nhất từ trước đến nay và giảm mạnh từ mức đỉnh 58,7% vào năm 2016. Vai trò của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý, quy mô của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa. Có tới 83% doanh nghiệp có vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, 77,8% doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận đang có tình trạng khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài, với yêu cầu chất lượng hơn, xanh hơn… ở một số địa phương đi trước trong thu hút nguồn lực này, do quỹ đất không còn nhiều, chất lượng cơ sở hạ tầng thấp, nguồn nhân lực và thể chế, chính sách chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngay sau khi VCCI công bố Bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI năm 2022, có lo ngại rằng, điều này sẽ tạo áp lực cho chính quyền địa phương cuối bảng trong việc thu hút đầu tư, vì không dễ cân bằng giữa phát triển xanh và tăng trưởng nhanh?

Đó là thực tế trong giai đoạn chuyển đổi, vấn đề là chúng ta cần thống nhất trong nhận thức về các xu hướng lớn, để có kế hoạch và lộ trình thực thi. Đây là lý do chúng tôi không nhấn mạnh nhiều vào thứ hạng, mà tập trung phân tích các đánh giá về quản trị môi trường của các địa phương qua lăng kính của các doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài.

Cụ thể là đánh giá về nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất - kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Nếu các địa phương quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng kinh tế, thì sẽ sẵn sàng từ chối những dự án không đảm bảo các tiêu chí. Nhưng đúng là trong ngắn hạn, các quyết định này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách địa phương, ở cả góc độ nguồn lực trong thu hút mới và nguồn lực để dịch chuyển các dự án hiện hữu.

Qua phân tích Chỉ số PGI năm 2022, hầu hết các địa phương đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh và chưa có nhiều không gian cho sự thay đổi, thể hiện qua điểm số PGI ở mức thấp với độ biến thiên cũng thấp.

Nhưng để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ quá trình phát triển, thì đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam phải xanh hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Điều này có nghĩa là, Việt Nam phải xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục, mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Cùng với đó là các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển xanh, như vốn tín dụng cũng ưu tiên cho vay những dự án xanh…

Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Khánh An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục