Khi giá dầu giảm mạnh, các chính sách đã có phương án để đối phó, và giờ đây khi giá dầu tăng trở lại thì sự lượng hóa tác động cũng cần phải lưu tâm.
Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho biết, giá dầu sẽ phục hồi lại trong nửa cuối năm 2015 khi các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC phản ứng lại với việc giá dầu thấp và nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong năm tới. Theo đó, dự báo giá dầu Brent sẽ đứng ở mức bình quân 74 USD/thùng trong năm 2015 và 80,30 USD/thùng trong năm 2016.
Trong buổi chia sẻ Báo cáo dự báo tình hình kinh tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần trước tại Hà Nội, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết, giá dầu thế giới đang giảm, những nước càng nhập khẩu xăng - dầu nhiều càng có lợi với việc giá dầu giảm. Với Việt Nam vừa xuất vừa nhập khẩu dầu, xuất dầu thô và nhập xăng - dầu thành phẩm khá cân bằng. Tuy nhiên, nếu bù trừ hai yếu tố này, giá dầu thế giới giảm sẽ có lợi hơn cho Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 12/2014, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 9,3 triệu tấn, tăng 10,5% và kim ngạch đạt 7,23 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 8,62 triệu tấn, tăng 17,1% với trị giá 7,67 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2013.
Mặc dù con số tỏ ra cân bằng, nhưng tác động của giá dầu tăng giảm lại khác nhau. Giá dầu giảm thì ảnh hưởng ngay lập tức tới nguồn thu của ngân sách, từ đó ảnh hưởng tới đầu tư của Chính phủ, nhưng giá dầu giảm lại hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, người tiêu dùng giảm chi tiêu xăng dầu sẽ có cơ hội tăng chi tiêu ở nhóm hàng khác, kích thích sản xuất.
“Trên thực tế, giá dầu giảm được nhận định là ‘lợi ích từ trên trời rơi xuống’ sẽ ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của một đất nước, tùy thuộc vào quốc gia đó nhập khẩu dầu nhiều hay ít, nên mức độ lợi ích của quốc gia đó gặt hái được từ việc giảm giá dầu sẽ nhiều hay ít”, ông Sanjay Kalra nói.
Phó tổng giám đốc OCB, ông Đinh Đức Quang nhận định, để phân tích giá dầu tăng lên hay giảm đi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tổng thể các mục tiêu chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ là bài toán lớn, không đơn giản. Khi đó, các cơ quan quản lý phải tính toán tác động tăng giảm giá dầu đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, các quỹ bình ổn giá cả, mức đầu tư ngân sách vào ngành dầu khí trong và ngoài nước, lực thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí... như thế nào.
“Nếu giả sử có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thì phương án nguồn thu khác bù đắp sẽ là gì? Nếu các nguồn khác vẫn không đủ bù đắp thì vấn đề gì sẽ xảy ra, giải pháp thay thế là gì? Đây là bài toán phức tạp”, ông Đinh Đức Quanh nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, giá dầu thế giới chắc chắn ảnh hưởng đến chính sách tài chính của Việt Nam dưới nhiều khía cạnh. Ví dụ như giá dầu tăng sẽ tăng được nguồn thu từ thuế xuất khẩu dầu thô cho Chính phủ, nhưng điều ảnh hưởng là nhập siêu và lạm phát bởi Việt Nam nhập khẩu xăng, dầu diesel, nhiên liệu…
Câu chuyện nhập siêu tăng sẽ đưa đến nhu cầu ngoại tệ tăng, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá - một phần của chính sách tiền tệ. Do đó, cần phải tính toán cẩn trọng việc giá dầu tăng trong điều hành chính sách tiền tệ.
Nhận định chung cho khu vực châu Á, Báo cáo cập nhật của IMF cho rằng, không kể giá dầu thế giới dự kiến sẽ bắt đầu tăng vào cuối năm nay, về dài hạn, giá dầu dự kiến vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các năm gần đây. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ thêm nếu vai trò của nguồn cung đối với tình trạng giá sụt giảm sẽ quan trọng hơn hoặc lâu dài hơn dự kiến, hoặc nếu xu hướng chi do nguồn thu từ giá dầu giảm lớn hơn mức dự kiến hiện tại.