Trong nhiều năm qua, đã không ít lần các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lên tiếng về chuyện tăng vốn điều lệ. Tới năm 2018, vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Ông có nhận định như thế nào về câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng?
Đúng là các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước đang rất cần tăng vốn điều lệ, vì nếu tính đúng, tính đủ, chặt chẽ, vốn tự có của các ngân hàng đang thấp, đặc biệt là các ngân hàng ngày trước đã tăng vốn “ảo” thông qua một số biện pháp kỹ thuật. Nếu loại trừ những dòng vốn ảo, tài sản không sinh lời, nợ xấu, đúng theo chuẩn mực của Basel II, thì vốn chủ sở hữu của những ngân hàng này, tôi cho rằng, có khi còn thấp dưới 8%, thậm chí chỉ còn 6% - mức báo động cho an toàn vốn.
Với tình trạng này, tăng vốn là điều rất quan trọng, tạo cơ sở tài chính vững mạnh, giúp tăng quy mô hoạt động để các ngân hàng này hoạt động lành mạnh, ổn định và phát triển. Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng, ngân hàng không thể cho vay một khách hàng quá 15% vốn tự có. Như vậy, vốn càng lớn, sẽ giúp ngân hàng “thoải mái” hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động vì tổng tài sản gắn liền với hệ số an toàn vốn (CAR) hiện nay là 9% (tức 9 đồng giá trị thực của vốn điều lệ trên 100 đồng tổng tài sản tính theo hệ số rủi ro của mỗi loại tài sản).
Agribank đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Ngược lại, nếu không tăng vốn, hệ số CAR sẽ giảm nếu các ngân hàng tiếp tục tăng quy mô hoạt động. Hiển nhiên, cho vay nhiều, tổng tài sản tăng lên, mẫu số tăng lên mà tử số không tăng lên thì hệ số CAR giảm đi. Còn nếu muốn duy trì hệ số CAR thì mẫu số là tổng tài sản không thể tăng được, có nghĩa ngân hàng đi vào tình trạng trì trệ, không phát triển, không tăng trưởng, không tăng tổng tài sản, không tăng quy mô cho vay.
Hơn thế nữa, vốn chủ sở hữu được xem là chiếc đệm cho những thiệt hại gây ra từ nợ xấu và những đầu tư rủi ro. Nợ xấu và đầu tư rủi ro mất vốn sẽ tiêu hủy lợi nhuận và xói mòn vốn chủ sở hữu. Với vốn chủ sở hữu thấp, chỉ cần một vài món nợ lớn dẫn đến mất vốn, ngân hàng có thể bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để xử lý hay đi vào phá sản. Ngược lại, nếu vốn chủ sở hữu dồi dào, ngân hàng vẫn duy trì được sự an toàn ngay cả khi mất vốn do những món nợ xấu và dễ dàng vượt qua khủng hoảng.
Liệu Chính phủ sẽ thoái vốn 100% khỏi các ngân hàng? Tôi nghĩ điều này có khả năng xảy ra trong tương lai, nhưng khả năng xảy ra trong vòng 5 năm tới là rất thấp
- TS. Nguyễn Trí Hiếu
Trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không thoát khỏi ảnh hưởng vì nợ xấu bắt đầu gia tăng. Thêm vào đó, những chính sách tiền tệ nới lỏng và thiếu sự quản lý của các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho tín dụng bùng nổ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tăng đột biến, các doanh nghiệp nhà nước “tha hồ” vay mượn để làm ăn.
Tiếp theo đó, bong bóng trên các thị trường tài chính nổ tung, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và hệ thống ngân hàng chỉ mới cách đây 4 - 5 năm ghi nhận mức nợ xấu lên đến 17%. Trong số những ngân hàng thương mại chịu tổn thương vì nợ xấu, các ngân hàng có vốn nhà nước chịu thiệt hại lớn nhất, vì tỷ trọng cho vay của họ trên tổng dư nợ của hệ thống chiếm khoảng 60% và có khách “ruột” là nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường bất động sản, chứng khoán và các doanh nhiệp nhà nước. Những thiệt hại này đã tiêu hủy một phần quan trọng trong vốn chủ sở hữu của những ngân hàng có vốn nhà nước.
Với những gì xảy ra trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong 10 năm qua, việc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có yêu cầu tăng vốn điều lệ để bù đắp những tổn thất tài chính trong những năm qua và để tuân thủ quy định về hệ số CAR là điều đương nhiên.
Hơn thế nữa, Basel II với những chỉ tiêu nghiêm ngặt về vốn chủ sở hữu, về cách tính vốn chủ sở hữu và những quy định quản lý rủi ro, buộc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước phải tăng vốn điều lệ. Nếu không như vậy, có khả năng những ngân hàng này không đạt được chuẩn mực Basel II ngay trong ngày đầu tiên Basel II có hiệu lực tại Việt Nam.
Đâu là lý do Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn chi phối trong những ngân hàng này, theo ông?
Trước tiên, chúng ta cần nhìn ngược lại lịch sử. Ngành ngân hàng cách đây 30 năm chưa có ngân hàng có vốn của tư nhân, mà chỉ có ngân hàng vốn của Chính phủ và hoạt động của những ngân hàng này rất khiêm tốn, giới hạn trong việc mở sổ tiết kiệm cho người dân, cấp tín dụng cho nông dân, một số thành phần kinh tế được Chính phủ hỗ trợ và là “quầy” thu chi cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.
Năm 1986, nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng chưa phải là thị trường hoàn toàn tự do, mà “có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước”. Theo đó, các ngân hàng thương mại trong giai đoạn đầu được nhà nước cấp vốn pháp định. Sau đó một thời gian, khi Chính phủ đưa ra chủ trương “cổ phần hóa” (equitization) ngân hàng thì các nhà băng này bán cổ phần cho tư nhân và doanh nghiệp, từ đó hình thành nhóm cổ đông tư nhân, nhưng Nhà nước vẫn nắm một tỷ lệ cổ phần chi phối.
(Nguồn: NHNN)
Rõ ràng, trong giai đoạn khởi đầu, vốn của các ngân hàng lớn là vốn của Nhà nước. Sau đó, tư nhân được mời gọi đầu tư vào các ngân hàng đầu ngành, nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối. Trong 3 thập kỷ qua, vốn chi phối của Nhà nước tại những ngân hàng đầu ngành đã phục vụ 3 mục đích.
Thứ nhất, ngành ngân hàng là huyết mạch trong hệ thống tiền tệ quốc gia. Việc kiểm soát các ngân hàng đầu tàu về vốn, về quản trị và điều hành là cần thiết đối với một nền kinh tế và một hệ thống ngân hàng non trẻ như tại Việt Nam để bảo đảm sự ổn định và an toàn của hệ thống.
Thứ hai, việc dùng ngân hàng có vốn nhà nước để thực hiện những chính sách tài khóa và tiền tệ của Nhà nước đã được xem là tối cần thiết, vì Nhà nước nắm trong tay các định chế tài chính trọng yếu, bảo đảm sự liên kết giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Thứ ba, trong hoạt động kinh doanh, với sự “hỗ trợ” của Nhà nước, những ngân hàng “quốc doanh” đã tạo lợi nhuận đáng kể và đóng góp cho ngân sách nhà nước dưới hình thức cổ tức. Do vậy, rất dễ hiểu khi những năm qua, tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước bị suy giảm mà các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt đã tạo nên những “ầm ĩ” trên thị trường.
Tuy nhiên, vốn chi phối của Nhà nước tại các tổ chức tín dụng cần phải được xem xét lại trong một môi trường kinh tế vĩ mô và tài chính đã chuyển biến mạnh mẽ. Nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế thị trường. Hệ thống ngân hàng ngày nay đã phát triển ngày càng ổn định hơn.
Ngân hàng Nhà nước đã có những công cụ và cơ chế hữu hiệu để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng và bảo đảm sự an toàn hệ thống, mà không cần phải có sự kiểm soát của “bàn tay chính phủ” thông qua vốn chi phối.
Nhà nước cũng đã triển khai những công cụ điều hành hiệu quả để kết nối việc thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, mà không bắt buộc phải nắm quyền kiểm soát những ngân hàng đầu ngành cho mục đích này. Chính sách thuế của Chính phủ được cải tiến liên tục và việc thu thuế cũng đa dạng và hiệu quả hơn trước. Vì thế, Chính phủ nên tập trung vào nguồn thu thuế cho ngân sách quốc gia, hơn là dựa vào lợi nhuận đến từ kinh doanh ngân hàng.
Cách đây 30 năm, nhiều cơ quan nhà nước, ngay cả quân đội, đều có những hoạt động kinh doanh để bổ sung nguồn kinh phí cho cơ quan mình. Nhưng ngày nay, Chính phủ là cơ quan quản lý tối cao của nền kinh tế, chỉ nên tập trung vào việc điều hành quốc gia và giữ lại một vài lĩnh vực kinh doanh liên quan đến an ninh quốc gia và an sinh xã hội.
Hiện tại, Chính phủ đang có chủ trương những gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm. Liệu điều này có thể hiểu rằng, Nhà nước sẽ thoái vốn 100% khỏi ngân hàng trong thời gian tới hay không?
Đúng là như thế. Cái gì tư nhân làm được thì để cho tư nhân làm, còn Chính phủ nên rút vào vị trí điều hành đất nước, thay vì kinh doanh và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các thành phần kinh tế tư nhân.
Nếu Nhà nước đóng vai trò “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa là nhà điều hành, nhà quản lý, vừa là nhà kinh doanh, dễ dàng tạo ra điều kiện thuận lợi cho những ngân hàng mà Chính phủ nắm quyền kiểm soát.
Thực tế, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại những ngân hàng có vốn nhà nước đã được bắt đầu từ hơn 10 năm qua và hiện nay, Chính phủ ngày càng nhìn nhận vai trò và sức phát triển của các thành phần kinh tế tư nhân, xem đây là động cơ chính cho phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại những ngân hàng đầu tàu.
Liệu Chính phủ sẽ thoái vốn 100% khỏi các ngân hàng? Tôi nghĩ điều này có khả năng xảy ra trong tương lai, nhưng khả năng xảy ra trong vòng 5 năm tới là rất thấp. Chúng ta đều biết, Nhà nước rút vốn khỏi các ngân hàng sẽ là vấn đề khó khăn nhìn từ nhiều phía.
Từ phía ngân hàng, các ngân hàng “quốc doanh” vẫn là nơi Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các bộ ngành khác duy trì tài khoản vãng lai, tạo nên một nguồn vốn huy động lớn để các ngân hàng này kinh doanh. Về phía Nhà nước, kinh doanh ngân hàng vốn là nguồn lợi nhuận lớn của ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, nếu Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối tại các ngân hàng lớn, những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với các vấn đề sau:
Thứ nhất, các ngân hàng này sẽ chậm phát triển, gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài bởi tỷ lệ khống chế áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ kiểm soát tuyệt đối. Ngay cả các nhà đầu tư trong nước, khi nhìn thấy các ngân hàng này có đa số vốn nhà nước cũng không mặn mà đầu tư, bởi quan ngại công việc điều hành không nhạy bén, trơn tru và bị ràng buộc bởi những quyết định của Chính phủ. Ngay cả những người đại diện cho Nhà nước trong Hội đồng quản trị thường là các quan chức của Chính phủ được điều qua đảm nhiệm vị trí quản trị tại các ngân hàng này.
Thứ hai, ngay cả khi các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào, nhiều nhà đầu tư là những ngân hàng uy tín của thế giới, không chỉ đơn thuần đầu tư tài chính, mà họ muốn mang cả kinh nghiệm quản trị, nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh, sản phẩm hiện đại vào để đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng. Họ thường đòi hỏi những thay đổi rất lớn về quản trị và điều hành, đôi khi trở nên đối lập với đại diện của các cổ đông khác trong tổ chức này.
Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư luôn đòi hỏi tính minh bạch trong thông tin, các báo cáo tài chính, nhất là những giải trình về rủi ro nợ xấu, chi tiết đầy đủ của những khoản nợ xấu và các món nợ cho bên liên quan.
Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất nhạy cảm mà đại diện của Nhà nước trong Hội đồng quản trị và các ủy ban cảm thấy khó khăn khi chia sẻ với nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện này sẽ được giải tỏa nếu không một cổ đông nào nắm tỷ lệ khống chế và kiểm soát.
Thứ ba, trong "sân chơi" của các ngân hàng vẫn tồn tại 2 loại ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước. Trong sân chơi này, các ngân hàng loại đầu có nhiều ưu thế, tạo ra một thị trường không cân đối, với lợi thế cạnh tranh nghiêng về loại đầu. Từ đó không thể xây dựng một thị trường ngân hàng cạnh tranh bình đẳng.
Ngay cả khi Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực từ đầu năm 2018 và cho phép ngân hàng phá sản, thị trường vẫn cảm nhận các ngân hàng có vốn nhà nước luôn được bảo vệ và Nhà nước khó mà để cho các ngân hàng này phá sản, làm mất vốn của Nhà nước, ngay cả khi các ngân hàng này thua lỗ hay rơi vào khủng hoảng.
Với những phân tích trên, có thể hiểu rằng, cần phải nhanh chóng thoái vốn, nhưng thực tế cho thấy, việc thoái 100% vốn của Nhà nước tại các ngân hàng không dễ dàng?
Đúng như vậy. Nhưng nếu không thoái được ngay 100% vốn thì Nhà nước cần có một lộ trình thoái vốn trong 5 - 10 năm tới, với mỗi năm thoái vốn khoảng 10 - 20% số cổ phần của Nhà nước hiện nay để trễ nhất 10 năm nữa có thể thoái vốn hoàn toàn.
Tôi cũng muốn đề cập lại câu chuyện không mới, đó là nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm này. Hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn tối đa 20% vốn cổ phần và tất cả các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30%. Tôi nghĩ chúng ta có thể tăng đến 49%. Sự lo lắng các nhà đầu tư nước ngoài vào sẽ lũng đoạn nền tài chính của Việt Nam là không có cơ sở, bởi nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những ngân hàng có uy tín trên thế giới, có tính tuân thủ luật lệ quốc gia sở tại rất cao.
Chúng ta cần mạnh dạn nới dần ngay từ bây giờ, để đến năm 2020, Việt Nam sẽ sẵn sàng mở cửa thị trường ngân hàng cho các ngân hàng nước ngoài không hạn chế theo thỏa thuận với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó là chưa kể khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các ngân hàng nước ngoài có khả năng “đổ bộ” vào Việt Nam và được kinh doanh như các ngân hàng nội địa.
Trong 30 năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã chuyển mình để đi vào quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường, từng bước thực hiện “cổ phần hóa” (Equitization) các ngân hàng quốc doanh. Khái niệm “cổ phần hóa ngân hàng” có lẽ là một sáng tạo của các nhà quản lý ngành ngân hàng cách đây khoảng 30 năm - để tránh từ “tư nhân hóa” (Privatization), một khái niệm được xem là không thích hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, từ “cổ phần hóa” ngày nay không còn nhiều ý nghĩa, vì ngay cả tại các ngân hàng “quốc doanh”, phần góp vốn của Nhà nước đã được cổ phần hóa, nhưng thực chất tỷ lệ khống chế và kiểm soát vẫn nằm trong tay Nhà nước.
Có lẽ chúng ta nên mạnh dạn dùng khái niệm “tư nhân hóa”, một khái niệm phổ thông trong ngành ngân hàng toàn cầu. Đi cùng với sự thay đổi về tư duy, Nhà nước phải tiếp tục thoái vốn để đi đến thoái vốn toàn bộ tại các ngân hàng hiện nay có vốn nhà nước, để “cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar" và "cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm”.