Có chứng chỉ môi giới chứng khoán mới được phép bán?
Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance, căn cứ vào Điều 33 - Thông tư 135/2012/TT-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm khi kinh doanh sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải tuân thủ quy định tại thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan, mà pháp luật có liên quan ở đây là Luật Chứng khoán.
“Ở quy định có ràng buộc chữ ‘và’, nghĩa là nếu chỉ bán bảo hiểm thì không cần, nhưng bán đơn vị quỹ thì phải tuân thủ thêm Luật Chứng khoán mới đủ điều kiện”, ông Nguyên phân tích và cho biết thêm, ở các nước như Mỹ, Thái Lan, Singapore…, muốn bán bảo hiểm liên kết đơn vị phải được sự chấp thuận của cả 2 cơ quan quản lý về chứng khoán và bảo hiểm.
Ngoài ra, theo ông Nguyên, Điều 34 của thông tư này cũng quy định, để triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tuyển chọn các đại lý bảo hiểm đáp ứng đủ các điều kiện như có chứng chỉ đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị theo quy định của pháp luật, nghĩa là theo quy định của Luật Chứng khoán.
Ghi nhận từ cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm cũng như phụ trách pháp chế một số công ty bảo hiểm nhân thọ, hiện không có quy định nào bắt buộc đại lý muốn bán bảo hiểm liên kết đơn vị phải có chứng chỉ môi giới chứng khoán.
Trước đây, từng có một số văn bản quy định đại lý bảo hiểm khi bán sản phẩm liên kết đơn vị phải có “chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp”. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các điều kiện cần và đại lý bảo hiểm có thể sử dụng điều kiện khác thay thế, mà không cần phải có chứng chỉ môi giới chứng khoán. Nghĩa là, đại lý bảo hiểm muốn bán chứng chỉ quỹ chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện sau: Là đại lý bảo hiểm và có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục; hoặc là đại lý bảo hiểm, có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp…
Còn ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam phản biện rằng: “Nghị định 151/NĐ-CP năm 2018 đã bãi bỏ điều kiện này. Đại lý bảo hiểm chỉ cần được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận đã hoàn thành khóa học là đủ điều kiện bán sản phẩm. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, việc chào bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị không cần chứng chỉ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.
Trong khi tranh cãi nổ ra, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cần làm rõ và xem xét bổ sung thêm điều kiện nếu cần.
Quan trọng là chất lượng tư vấn
Dù có chứng chỉ môi giới chứng khoán hay không thì cũng khó làm thay đổi bản chất của sản phẩm. Bởi thế, tư vấn trung thực, đầy đủ mới là quan trọng nhất.
Bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp quyền lợi bảo hiểm rủi ro và đầu tư sinh lời bằng cách tham gia vào quỹ liên kết đơn vị - là quỹ do công ty bảo hiểm thành lập dựa trên nguồn phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022, hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm gần 22% tổng lượng hợp đồng khai thác mới, tăng 57,2% so với năm 2021.
Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động như hiện nay, một số công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cho biết, nhiều khách hàng lo lắng và muốn rút tiền khỏi các kênh đầu tư, bao gồm cả kênh bảo hiểm liên kết đơn vị.
Còn trên thực tế, dù có chứng chỉ môi giới chứng khoán hay không thì cũng khó làm thay đổi bản chất của sản phẩm, trong khi đại lý bảo hiểm chỉ đóng vai trò trung gian kết nối, khách hàng mới là người ra quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu” sau khi ủy thác cho các chuyên gia tài chính của quỹ thay mình đầu tư. Bởi thế, tư vấn trung thực, đầy đủ mới là quan trọng nhất.
“Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thường được thiết kế riêng cho các đối tượng khách hàng có nguồn vốn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính - chứng khoán. Thế nhưng, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, có bao nhiêu đại lý dám nói thẳng, nói thật với khách hàng rằng, họ sẽ chịu khoản phí cao trong 2 năm đầu, thường là 60-80% số tiền đã đóng và nếu hủy hợp đồng trước khi đáo hạn, khách hàng sẽ mất toàn bộ số phí đã đóng ban đầu, chỉ có thể được hoàn lại giá trị tài khoản tính đến thời điểm thực hiện yêu cầu hủy hợp đồng, hay chỉ nói một câu chắc nịch rằng, sản phẩm này lãi lắm!?”, đại lý bảo hiểm Hà Mỹ Linh nói.