Nếu từ 2015 trở về trước, Việt Nam gần như ở vị thế nhập siêu hàng hóa, với mức khá lớn, thì từ na2016 đến nay đã liên tục ở vị thế xuất siêu với quy mô lớn.
Xuất siêu tác động đến vị thế trong quan hệ buôn bán của Việt Nam với nước ngoài. Việt Nam đã chuyển từ thiếu hụt sang “có bát ăn bát để”. Việc này sẽ tác động đến vị thế khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam... và vị thế trên các mặt khác.
Xuất siêu có tác động bù vào trạng thái còn yếu của tổng cầu trong nước, cho thấy vai trò là “lối ra” của xuất khẩu đối với Việt Nam.
Xuất siêu hàng hóa - thực chất là thặng dư cán cân thương mại - bù đắp cho trạng thái nhập siêu lớn, liên tục về dịch vụ cho đến nay. Do vậy, xuất siêu là nội dung quan trọng của cán cân thanh toán, là nội dung lớn của việc ổn định kinh tế vĩ mô, có tác dụng cải thiện cán cân thanh toán theo mục tiêu trong “ngũ giác mục tiêu” (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện) và tăng dự trữ ngoại hối của đất nước.
|
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng đã góp phần vào mấy lần kích cầu (sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008, sau tác động của đại dịch Covid-19); có năm đã vượt qua mốc 100 tỷ USD, bảo đảm an ninh tài chính của quốc gia khi đã lớn hơn 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
Nhờ xuất siêu, tổng dự trữ ngoại hối tăng đã góp phần vào việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, mỗi khi thị trường này có biến động lớn do tác động từ bên ngoài, khắc phục nguy cơ găm giữ ngoại tệ.
Trong những năm tới, để duy trì vị thế xuất siêu về hàng hóa và giảm thiểu nhập siêu về dịch vụ, có nhiều việc phải làm.
Trước hết, cần khắc phục các hạn chế hiện nay và các thách thức trong thời gian tới.
Hạn chế hiện nay về xuất khẩu, nhập khẩu và xuất siêu, nhập siêu có nhiều, trong đó có một số vấn đề nổi bật. Rõ nhất là tình trạng công nghiệp hỗ trợ còn yếu và tính gia công, lắp ráp còn lớn, làm giảm thực thu và tăng nhập khẩu.
Xuất siêu hoàn toàn do khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, còn nhập siêu do khu vực kinh tế trong nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ cao.
Thách thức tới đây có nhiều. Giá USD có xu hướng tăng, Việt Nam sẽ khó điều chỉnh tỷ giá VND/USD để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, bởi dễ bị quy kết là “thao túng tiền tệ” với nhiều bất lợi; việc được công nhận có nền kinh tế thị trường cũng sẽ khó khăn hơn. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ xảy ra với mức thuế suất nhập khẩu vào Mỹ cao hơn trước. Việt Nam tuy có lợi có trong việc đón sự chuyển dịch các dự án đầu tư từ đây sang, nhưng cũng sẽ có nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, kéo theo nhập khẩu, nhập siêu từ Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ nhằm “né” thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), trên cơ sở tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tiết kiệm chi phí, giảm tham nhũng, lãng phí.
Giảm nhanh nhập siêu, tiến tới thăng bằng và xuất siêu về dịch vụ. Giảm mạnh nhập siêu về dịch vụ vận tải trên cơ sở nâng cấp, xây dựng các cảng biển, tăng năng lực đội tàu viễn dương, cải thiện năng lực vận tải đường sắt cao tốc, liên vận... Tăng xuất siêu dịch vụ du lịch trên cơ sở có chính sách hấp dẫn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tiến tới thăng bằng và xuất siêu về các dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chính phủ. Phát huy kết quả từ nhập siêu sang xuất siêu của dịch vụ bưu chính - viễn thông...