Sở dĩ Chính phủ phải ra nghị quyết đề cập đến vấn đề này bởi trước đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 21/8/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế chỉ tăng 4,33% so với cuối năm 2013.
Báo cáo tình hình kinh tế 8 tháng và tháng 8/2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố nhận định lạm phát cơ bản thấp, cho thấy tổng cầu mặc dù cải thiện nhưng vẫn rất kém. UBGS tính toán, trong tháng 8, lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%.
Trong đó, tổng cầu thấp đối với cả tiêu dùng và đầu tư. Cụ thể, đối với với tiêu dùng, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013 nhưng mức cải thiện không lớn. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2014 tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (4,8% so với 13,7%).
Đối với đầu tư, theo ước tính của UBGS, trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,4%). Do tăng đầu tư tư nhân và tăng tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ nên tín dụng tăng thấp có thể xem là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam vừa được HSBC công bố cũng giảm xuống mức điểm 50,3 trong tháng 8 từ mức 51,7 tháng 7 (giảm tháng thứ tư liên tiếp) do lực cầu trong và ngoài nước giảm. Điều này cho thấy mức cải thiện yếu nhất về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 11/2013. Nguyên nhân khiến sản lượng tăng yếu là số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 9 tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 5 tháng.
Một lãnh đạo cao cấp của UBGS nhận định: “Tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%. Nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6 - 5,7%”.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục tổ chức, triển khai chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên... Tuy nhiên, một câu chuyện đáng chú ý là trên Bản tin thị trường trái phiếu tháng 8/2014 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, trong tháng 8, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) với giá trị gọi thầu và trúng thầu lần lượt là 23.000 tỷ đồng và 19.515 tỷ đồng. Trước đó, các mức tương ứng của tháng 7 cũng là 23.000 tỷ đồng và 22.950 tỷ đồng…
Còn Bản tin trái phiếu thứ 13 tuần từ 5/9 đến 9/9 của CTCK Bảo Việt cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 79.134,5074 tỷ đồng TPCP. “Thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu chủ yếu là các NHTM. Điều này có nghĩa TPCP được các NHTM ‘ôm’ nên tiền cũng không thể đi vào khu vực sản xuất - kinh doanh tư nhân”, lãnh đạo cấp cao một NHTM nêu quan điểm.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, nguồn tiền từ thuế và trái phiếu của chính phủ đi vào đầu tư công cũng như các chi phí khác của chính phủ, còn nguồn tiền từ các NHTM đi vào sản xuất - kinh doanh tư nhân. Đây là 2 điểm rất tách biệt, nhưng hiện tại ở Việt Nam, nguồn tiền từ các NHTM lại sử dụng nhiều trong khu vực công.
“Trong bối cảnh vốn ngân hàng kẹt đầu ra nên ‘chạy’ vào đầu tư công qua cửa TPCP, về ngắn hạn có thể chấp nhận được nhưng dài hạn thì không nên”, một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm và cho rằng, nên có kỷ luật tài khóa trong đó tính toán đến việc kiềm chế phát hành trái phiếu, mà muốn kiềm chế được thì trước tiên phải cắt giảm chi phí công và hiệu quả hóa đầu tư công.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc các NHTM phải nắm giữ một lượng TPCP nhất định nhằm hỗ trợ/đề phòng thanh khoản, chứ không phải dùng tiền huy động được nắm giữ TPCP để đầu tư về lâu dài. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên tìm cách giới hạn như đưa ra một tỷ lệ nào đó, thường chiếm 5 - 10% tổng tài sản là hợp lý để ngăn chặn tình trạng nhiều ngân hàng nắm giữ TPCP tới 20%, thậm chí hơn là điều không hợp lý.
Báo cáo tình hình kinh tế 8 tháng và tháng 8/2014 của UBGS khuyến nghị, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, những tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, nhất là cầu đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%.
Theo đó, đối với đầu tư tư nhân, cần cắt giảm chi phí sản xuất cho DN. Căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để DN cắt giảm chi phí vốn, vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD. Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh DN vừa và nhỏ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc DNDN, tạo động lực tăng trưởng đối với khu vực tư nhân…