Rõ ràng, chênh lệch lãi suất 12% là một khoản lợi nhuận không nhỏ trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều DN phải ngừng sản xuất. Lý giải về hiện tượng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về ngân hàng nhận xét, các DN trên đã lợi dụng tình hình tỷ giá đang ổn định và dự báo sẽ ổn định tỷ giá đến cuối năm để trục lợi.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu tiếp tục neo tỷ giá ổn định bằng một số biện pháp hành chính thì có thể gây nên tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế trong thời gian tới. Các chuyên gia lý giải, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Hà Nội so với cùng kỳ năm trước đã lên mức rất cao, đạt 21,52% từ mức 20,24% trong tháng trước. Tại TP. HCM, CPI lên mức gần 17,9%, từ mức tăng trên 16,5% của tháng trước. “CPI tăng cao nghĩa là VND mất giá, lãi suất VND sẽ tiếp tục cao mà tỷ giá vẫn bất động sẽ đồng nghĩa với việc các DN có cơ hội để trục lợi tỷ giá”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lại nêu quan điểm, đây là hoạt động thông thường có tên gọi là “carry trade”, xuất hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước tại Nhật Bản. DN vay USD, chuyển thành nội tệ gửi ngân hàng, hưởng chênh lệch lãi suất cao. Tuy nhiên, với hoạt động này, rủi ro tỷ giá cũng là điều mà các DN phải tính đến. Ông Trung cũng cho biết thêm, hoạt động này trên thực tế rất mạnh trong 6 tháng đầu năm nay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá tới 9,3%. Sau động thái khá mạnh tay này, tỷ giá đã tương đối bình ổn, có thời điểm VND còn tăng giá khoảng 2%. Tuy nhiên, các đơn vị muốn lợi dụng để trục lợi tỷ giá trong nửa cuối năm sẽ phải cẩn trọng vì những sức ép lên tỷ giá giai đoạn này là khá lớn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay rất cao, nên các ngân hàng đã giới hạn đối tượng được vay cũng như tăng lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cũng đang tăng cường mua ngoại tệ để đảm bảo nguồn dự trữ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, nếu cứ cố neo tỷ giá bằng những biện pháp hành chính thì sẽ khiến nền kinh tế phải trả một giá đắt trong tương lai. Do vậy, cần thả nổi tỷ giá theo thị trường để quân bình giữa cung và cầu ngoại tệ. Bởi tỷ giá hiện nay tuy ổn định, nhưng cung - cầu ngoại tệ lại có sự chênh lệch lớn là một điều vô lý và tạo điều kiện cho tình trạng trục lợi ngoại tệ có đất phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ bình ổn thị trường ngoại tệ, nhưng không có nghĩa là cố định tỷ giá mà điều hành tỷ giá linh hoạt trong tầm kiểm soát của nền kinh tế nói chung và tầm kiểm soát của NHNN nói riêng. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ thông qua 2 nhóm giải pháp: một là, điều hành chính sách tiền tệ đối với VND một cách phù hợp để trong lưu thông có một lượng tiền đồng hợp lý không dư thừa như thời gian trước; hai là, tạo ra một mặt bằng lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở mức độ hợp lý…