Chất lượng tăng năng suất lao động nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng cả nguyên nhân và giải pháp đều chưa rõ khiến cho đại biểu Quốc hội sốt ruột khi tham gia thẩm tra các nội dung về kinh tế, xã hội năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa qua, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong số các chỉ tiêu khó về đích có tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, mục tiêu 5-6% nhưng chưa có con số ước thực hiện mà đang được xác định “phấn đấu đạt mức cao nhất”.
Dường như độ khó của chỉ tiêu này đã bộc lộ rõ nên trong dự kiến kế hoạch năm 2024 chỉ xác định tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, chất lượng tăng năng suất lao động xã hội trong nhiều năm qua không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
“Vẫn chỉ tiêu này sang năm 2024, Quốc hội lại áng áng tỷ lệ phần trăm như vậy và lại không đạt, nhưng nguyên nhân không đạt là vì sao, giải pháp là gì trong báo cáo không nêu rõ”, ông Mạnh phát biểu.
Vị đại biểu Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về vấn đề phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và vấn đề đào tạo nghề.....để có giải pháp cho chỉ tiêu này.
Cũng quan tâm đến năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách hiện nay, đây cũng là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng nói riêng, thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững nói chung.
Cứ tăng 1% năng suất lao động sẽ giúp tăng 0,95 điểm phần trăm GDP, bà Thanh nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu Ninh Bình, chỉ tiêu của từng năm chưa đạt thì khó có thể hoàn thành chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2021 – 2025. Bà Thanh đề nghị Chính phủ cần quyết liệt, coi đây là chỉ tiêu quan trọng và cần thiết phải hoàn thành, để qua đó bàn bạc, đưa ra những giải pháp căn cơ, đột phá.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Cho rằng trong các yếu tố để tăng năng suất lao động, bên cạnh yếu tố quan trọng là chất lượng lao động thì còn nhiều yếu tố khác tác động như nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, yếu tố tiền lương, sản xuất, thể chế … đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ phải tổ chức một hội nghị bàn chuyên đề về vấn đề này để tập trung phân tích, đánh giá, xác định những giải pháp toàn diện và căn cơ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu này trong cả nhiệm kỳ.
Từ đó, trong các giải pháp được Chính phủ xác định cho những tháng cuối năm 2023, cả năm 2024, cần chú ý đưa ra hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ để có thể hoàn thành được chỉ tiêu tăng năng suất lao động.
Điểm lại những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, chất lượng tăng năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu. “Rõ ràng năng suất lao động ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, chất lượng nền kinh tế’, ông Thanh nhấn mạnh.
Hồi âm cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu về tăng năng suất lao động để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới.
Liên quan đến vấn đề lao động, trong trọng tâm điều hành năm 2024, Bộ Lao động, thương binh và xã hội xác định, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.
Theo đánh giá của Bộ, hiện tại chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập (khoảng 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, việc xây dựng các chương trình chính sách đào tạo cụ thể là nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới.
Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững (tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,2 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,8%).
Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (quý II năm 2023 là 7,41%), báo cáo của Bộ nêu.