UBND TP. HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường sắt đô thị TP. HCM tuyến metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc mới – cầu Sài Gòn) để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Tuyến metro số 5 dài 24 km là một trong 8 tuyến metro đã được quy hoạch tại TP. HCM. Tuyến bắt đầu từ Bến xe Cần Giuộc mới, chạy dọc theo Quốc lộ 50, Tùng Thiện Vương, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ và kết thúc tại cầu Sài Gòn. Dự án do UBND TP. HCM là cơ quan chủ quản; chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP. HCM.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, dự án đã được tư vấn IDOM (Tây Ban Nha) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ nguồn vốn hợp tác hỗ trợ kỹ thuật của chính phủ Tây Ban Nha và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phân kỳ thành 2 giai đoạn.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 99.764 tỷ đồng, tương đương 3,746 tỷ Euro được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn có tổng mức đầu tư dự kiến là 1,563 tỷ USD dự kiến bay vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha (275 triệu Euro), ADB (475 triệu Euro), Ngân hàng Tái thiết Đức (200 triệu Euro) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (150 triệu Euro) và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố.
“UBND TP. HCM đã nhận được các thư cam kết của các nhà tài trợ nên nguồn vốn đầu tư Dự án cơ bản được bảo đảm”, ông Tín cho biết.
Đối với giai đoạn 2, ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới có tổng mức đầu tư 2,183 triệu USD, UBND TP. HCM cho biết là đang được Hàn Quốc xem xét cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu khả thi. Vì vậy, tổng mức đầu tư của giai đoạn này chỉ mang tính sơ bộ và sẽ được xác định chính xác sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được hoàn thiện.
Về cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng vốn ODA, UBND TP. HCM đề nghị áp dụng cơ chế: ngân sách Trung ương sẽ cấp phát để đầu tư kết cấu hạ tầng; chủ đầu tư vay lại phần chi để mua sắm thiết bị, đoàn tàu…