Cần công khai chi tiết các vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông

Là vấn đề được quan tâm trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng các vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông là "không thể chấp nhận được" và cần "công khai chi tiết" vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng cần công khai chi tiết các vi phạm luật pháp quốc tế cùa Trung Quốc trên Biển Đông Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng cần công khai chi tiết các vi phạm luật pháp quốc tế cùa Trung Quốc trên Biển Đông

Phát biểu tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/10, vấn đề chủ quyền biển đảo là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp ý kiến thảo luận.

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng (đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội), năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt là các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Tình hình khu vực biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới.

“Trước tình hình đó, từ tháng 5 khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, đặc biệt từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Họ đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có những thời điểm đưa 35-40 tàu xuống để bảo vệ. Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được”, Trung tướng Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu TP. Hà Nội, trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao để chúng ta đấu t ranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Trên thực địa, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình; tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo Công ước, luật pháp quốc tế, Luật Biển năm 1982.

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta... Tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện giữ vững môi trường hòa bình, độc lập, phát triển đất nước.

Năm 2018 sau khi Bộ Chính trị thông qua và kết luận các chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng và bảo vệ biên giới quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này.

Đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế quân đội và mua sắm trang bị, bảo đảm theo tinh thần “tinh - gọn - mạnh”, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới, ông Khoa nói.

“Việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, Trung tướng Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, Việt Nam cần "công khai chi tiết" các vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông để dư luận tiến bộ Việt Nam, trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc biết.

"Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng biện pháp hoà bình không làm giảm đi lòng tham của họ", ông Hiếu nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Việt Nam cần có thêm biện pháp mới theo nguyên tắc "không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".

Theo đó, nhiều cử tri đã đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra toà án quốc tế, không chỉ kiện nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông (xâm phạm bãi Tư Chính), mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây công trình trái phép, quân sự hoá ở Biển Đông suốt thời gian vừa qua.

"Chúng ta có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục