Cần có ưu đãi đầu tư phù hợp để tăng thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Theo GS-TS. Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân), trong ngắn hạn, kinh tế đối ngoại tiếp tục là trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì vậy, cần có giải pháp cụ thể và những ưu đãi đầu tư phù hợp để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
GS-TS. Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân). GS-TS. Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân).

Ông có thể lý giải rõ hơn, vì sao trong ngắn hạn, kinh tế đối ngoại tiếp tục là trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Trừ những nước đã phát triển ở trình độ nhất định, khu vực doanh nghiệp trong nước đã đủ lớn mạnh, còn các nước trong giai đoạn đầu phát triển đều lấy kinh tế đối ngoại (xuất khẩu và FDI) làm điểm tựa, bệ đỡ để phát triển.

Việt Nam cũng vậy, khu vực tư nhân trong nước chiếm đa số về số lượng, nhưng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, thì không đủ sức làm trụ cột. Trong khi đó, khu vực FDI hầu hết là những doanh nghiệp lớn, tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu.

Vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã khẳng định, khu vực FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Nghị quyết cũng xác định, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Qua 5 năm triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW, kết quả đạt được có thể nói là tích cực, thưa ông?

Không tính thời gian đại dịch Covid-19, cả thế giới gần như đóng cửa mọi hoạt động kinh tế, thì kết quả thu hút FDI của Việt Nam có thể nói là rất khả quan. Năm 2023, Việt Nam thu hút được 3.188 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% so với năm trước về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được thu hút 15,85 tỷ USD, chiếm 78,5%.

Trong 4 tháng đầu năm nay, có thêm 966 dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 7,11 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 về số dự án và tăng hơn 73% về vốn đăng ký. Doanh nghiệp FDI đã giải ngân 6,28 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua.

Kinh tế đối ngoại tiếp tục là trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo, với vai trò ngày càng lớn của khu vực FDI. Đặc biệt, năm 2024, Chính phủ xác định tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một. Động lực tăng trưởng của khu vực FDI tiếp tục được duy trì, vì Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn...

Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho doanh nghiệp FDI phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu. Phải chăng, đây là nguyên nhân khiến Microsoft, Nvidia tìm đến các nước trong khu vực, thay vì Việt Nam như họ đã từng tuyên bố, thưa ông?

Việc áp thuế tối thiểu ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của 122 doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Các ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho doanh nghiệp FDI không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung.

Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta chưa đánh giá tổng thể về hệ thống các ưu đãi cần bổ sung hay không nhằm khuyến khích đầu tư, gồm ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp phi thuế để có phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu được áp dụng, tức là nghiên cứu những ưu đãi đầu tư khác phù hợp để “giữ chân” cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đồng thời gia tăng vị thế của các nhà đầu tư đang có.

Theo ông, cần có những chính sách gì để hút “đại bàng” về làm tổ tại Việt Nam?

Các nước nhập khẩu nhiều vốn trong ASEAN đang rốt ráo nghiên cứu chính sách mới để thích nghi với thuế tối thiểu toàn cầu. Singapore và Thái Lan đã bổ sung nhiều chính sách nhằm thích ứng với thu hút FDI trong bối cảnh mới. Vì vậy, các bộ, ngành phải tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc thực thi thuế tối thiểu, vì ưu đãi thuế không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Thực hiện thuế tối thiểu, ngân sách dự kiến tăng thu 14.600 tỷ đồng/năm, vì vậy, cần sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm này và các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ hỗ trợ đầu tư phải được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ thêm doanh nghiệp bằng biện pháp tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, như chi đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng mức trích khấu hao tài sản cố định góp phần thu hồi nhanh vốn đầu tư; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ; chi bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh...

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục