Cần có tỷ lệ lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, mô hình kinh doanh số

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ trung bình doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số hóa ở Việt Nam còn thấp hơn các nước khác trong khu vực, nhưng đây chính là tiềm năng lớn cần được khai mở.
Bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn Bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp số là yếu tố quan trọng

Theo bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), đây là thời điểm chín muồi để thảo luận về chuyển đổi số. Trải qua hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chuyển đổi số đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dù cho trong hoạt động dịch vụ công, trong hoạt động của các công ty hay thậm chí trong từng gia đình.

"Nhu cầu tăng rất cao, nhưng chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn năng lực, các giải pháp kết nối trang thiết bị, thiếu khả năng tiếp cận cơ hội chuyển đổi số của một số thành phần yếu thế trong xã hội", bà Carolyn Tuck nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022.

Trên thế giới, có những nước đã đầu tư đáng kể vào chuyển đổi số, kinh tế số và những quốc gia này đã có được sự ứng phó khá tốt khi đại dịch xảy ra. Bà Carolyn Tuck nhắc đến trường hợp của Hàn Quốc, Singapore đã có cách tiếp cận toàn diện, xây dựng nền tảng kỹ thuật số mang lại lợi ích lớn giúp các chính phủ trong ứng phó nhanh với các sự cố, xây dựng nền tảng kinh tế số mang lại lợi ích lớn giúp triển khai hệ thống bảo vệ xã hội, duy trì dịch vụ công…

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là vấn đề cốt lõi để đảm bảo hiệu suất của công việc, đa dạng hóa nền kinh tế, đặc biệt thay đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, gia tăng hiệu suất tại các ngành truyền thống như sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng...

Bà Carolyn Tuck đưa ra 6 vấn đề cốt lõi mà các chính phủ cần chú trọng trong qua trình chuyển đổi số.

Đó là cơ sở hạ tầng thích hợp, không quá đắt đỏ cho bộ phận phần lớn dân chúng có thể tiếp cận được, duy trì dịch vụ thông suốt, tăng khả năng cung cấp dịch vụ băng thông rộng và tiếp cận internet cho mọi thành phần trong xã hội.

Doanh nghiệp số là yếu tố quan trọng, cần có tỷ lệ lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, mô hình kinh doanh số trong hoạt động. Hiện Việt Nam có đội ngũ start-up đang nổi lên. Năm 2021 Việt Nam đã thu hút được hơn 1,3 tỷ USD vào lĩnh vực khởi nghiệp. Đây là một con số khá ấn tượng và TP.HCM cũng đang đi đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp.

"Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp địa phương", bà Carolyn Tuck nhấn mạnh.

Với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. HCM trong tương lai", Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2022 thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như FPT, Viettel, VNPT, FSI… đều có mặt, mang đến những giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số có hàm lượng công nghệ 4.0, đưa ra những định hướng, đề xuất hợp tác về chuyển đổi số phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn.

Đáng nói là các doanh nghiệp đã mang đến những sản phẩm, giải pháp do chính bàn tay người Việt phát triển, có thể được áp dụng thực tiễn ngay trong công việc hàng ngày và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối, sản xuất, quản lý, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.

Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Bùi Ngọc Bình, Phó giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát rriển công nghệ FSI cho biết, các doanh nghiệp mong muốn góp phần hỗ trợ TP.HCM thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP.HCM. Điểm nổi bật trong các giải pháp của FSI, đều là những sản phẩm đi vào giải quyết cụ thể bài toán của người Việt, dễ dàng nâng cấp, tích hợp mà không tốn kém nhiều chi phí.

“Với năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, FSI mong muốn đồng hành cùng TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thực hiện hóa mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam và TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 gồm những trụ cột: nhân lực số; công nghệ số, hạ tầng số; thể chế số; kinh tế số trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, FSI cũng cam kết sẽ đồng hành và dành nhiều ưu đãi trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại địa bàn TP. HCM”, ông Bình cho biết.

Nhiều tiềm năng chưa được khai mở

Tuy nhiên, nếu xem xét trên phương diện toàn quốc, bà Carolyn Tuck cho rằng, tỷ lệ trung bình doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số hóa còn thấp hơn các nước khác trong khu vực. Và như vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai mở.

Hiện nay chỉ có 20% số doanh nghiệp của Việt Nam sử dụng hoàn toàn số hóa trong các hoạt động của mình. Năm 2021, khoảng 50% của 6.500 loại dịch vụ công đã được tích hợp vào các cổng thông tin điện tử, tuy nhiên, mới chỉ có 15% số loại hình dịch vụ này đang được khách hàng sử dụng thường xuyên.

Điều đó cho thấy, chúng ta cần phải đẩy mạnh số hóa nhanh và nhiều hơn nữa trong thời gian tới và phổ biến cho người dân về việc thực hiện số hóa, vì nếu dịch vụ đã có mà người dân không biết cách tiếp cận, không biết cách sử dụng thì cũng không hiệu quả.

Hơn thế nữa, hệ thống số hóa còn giúp các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp có thể chia sẻ dữ liệu, tài nguyên để cùng nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Về dịch vụ tài chính số, bà Carolyn Tuck nhận thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Tuy nhiên, trong tương lai, cần phải tính tới hệ sinh thái lành mạnh, triển khai thử nghiệm mô hình thử nghiệm (sandbox) cho các công nghệ fintech, và mở rộng sau khi thấy mô hình có hiệu quả.

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là việc xây dựng niềm tin, sự an tâm, bảo đảm bảo mật, an ninh mạng cho người sử dụng. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI).

Tuy nhiên, mới chỉ có một con số nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng yêu cầu này. Do đó, an ninh mạng phải được duy trì liên tục. Cuối cùng, cần phải đảm bảo rằng Việt Nam có thể cải thiện khả năng kết nối ở những địa phương còn nghèo, chưa phát triển trên nguyên tắc không để ai rớt lại phía sau.

Bích Ngọc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục