Cần cơ chế để hiệp hội tham gia giám sát thực thi Nghị quyết 68

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vừa được Chính phủ hoàn tất, trình Quốc hội, với tốc độ làm việc rất nhanh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm và tốc độ khẩn tương tự, để đảm bảo yêu cầu nhanh chóng thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. “Đây là yêu cầu và kỳ vọng của cộng đồng kinh doanh”, ông Thân nhấn mạnh.

Thưa ông, tính từ thời gian ban hành Nghị quyết 68-NQ/CP đến giờ, mới khoảng 10 ngày. Có lẽ chưa bao giờ có tốc độ triển khai một nghị quyết lớn và quan trọng nhanh như vậy?

Thực sự, tốc độ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vô cùng khẩn trương.

Tôi nhớ là ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc khẩn trương hoàn thiện tài liệu chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng ngay hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội để triển khai Nghị quyết về kinh tế tư nhân. Sau đó là các cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Đến ngày 9/5/2025, đã có dự thảo Nghị quyết gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Ban soạn thảo đã thực hiện khối lượng công việc lớn, tốc độ làm việc rất nhanh và có trách nhiệm của Ban soạn thảo, tạo nên không khí rất hứng khởi và sự tin tưởng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về việc triển khai Nghị quyết 68.

Hiện tại, đây cũng phải là tiến độ, tốc độ mà các đại biểu Quốc hội sẽ phải thực hiện, để kịp thông qua Nghị quyết đảm bảo yêu cầu sớm thể chế hóa Nghị quyết 68, làm cơ sở cho thực thi của Chính phủ. Thời gian ngắn, nhưng quan điểm của tôi là chất lượng phải đảm bảo.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân... Những nội dung tại Dự thảo đã đủ chưa, thưa ông?

Nói một cách ngắn gọn, mục tiêu của Nghị quyết là có ngay được các chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân. Các giải pháp phải nhằm thực hiện được mục tiêu này. Vì vậy, điều tôi quan tâm là tính khả thi.

Dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 68. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Trong đó, việc làm rõ nội hàm các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp. Có thể gọi đây là những nội dung mang tính cách mạng trong quan niệm và tư duy trong xử lý vi phạm của doanh nghiệp.

Có thể nhắc tới sự phân định rõ trách nhiệm giữa hình sự với hành chính, dân sự; giữa hành chính với dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân. Hay như đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh...

Đối với doanh nghiệp, các nội dung này vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất cần quy định rõ để đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, tôi cũng đề xuất có thêm chương về trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi - những người tham mưu và thực thi chính sách.

Có thể hình dung cụ thể đề xuất này thế nào, thưa ông?

Lâu nay, mối quan hệ, tương tác giữa doanh nghiệp và công chức vẫn là một nội dung khá nhạy cảm, nhưng lại tác đông rất lớn đến hiệu quả thực thi cơ chế, chính sách. Nói một cách đơn giản là công chức mà chậm trễ, ngần ngừ trong thực hiện, thì dù cơ chế, chính sách được xây dựng đột phá thế nào, doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng được. Mà doanh nghiệp riêng lẻ cũng ngần ngại, khó can thiệp được.

Đây là lý do tôi đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi, thậm chí giao KPI cho công chức, cho phép doanh nghiệp tham gia giám sát thông qua hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng.

Để thực hiện được, việc thể chế hóa cơ chế giám sát thực thi, với sự có mặt của các hiệp hội là rất cần thiết. Tương tự như pháp luật đã thể chế hóa việc lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sao, thưa ông?

Tôi đặc biệt đánh giá cao Ban soạn thảo, khi đã đưa giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua việc tham gia vào các gói thầu mua sắm công.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định gói thầu mua sắm công có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho các đối tượng này. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại hoặc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp khác và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.

Chúng tôi đã kiến nghị nội dung này đã rất lâu và giờ đã có thể đạt được.

Tuy nhiên, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vấn phải tiếp tục được làm rõ. Ví dụ, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030; cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Làm sao để gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp, các kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp với các chương trình hỗ trợ để tối ưu hóa hiệu quả.

Cùng với đó, việc xem xét lại cơ chế và hiệu quả hoạt động của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đổi mới công nghệ... vì nhiều năm vẫn chưa hoạt động hiệu quả...

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, rất cần cơ chế giao việc cho hiệp hội doanh nghiệp, để hiệp hội thực hiện các nhiệm vụ mà không cần bàn tay Nhà nước, như tham gia cấp chứng chỉ hành nghề. Cũng cần có cơ chế các hiệp hội tham gia giám sát thực thi Nghị quyết, các Chương trình hành động. Tôi tin, đó là một cơ chế thúc đẩy thực thi hiệu quả.

Hoàng Yến thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục