Xin cho biết đánh giá của ông về trình độ quản lý rủi ro của các NH sau hơn 1 năm đối mặt với khó khăn bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Các NH đã thấy được những rủi ro mà NH của các nước trên thế giới vấp phải. Điều này có tác động rất lớn đến hoạt động của hệ thống NH trong nước. Kinh nghiệm trong quản lý rủi ro của các NH từ đó được nâng tầm. Thế nhưng, đôi khi quá say mê về mục tiêu mà một số NH quên đi sự quản lý toàn diện. Do đó, người quản trị điều hành, nhất là HĐQT và Ban tổng giám đốc phải có kiến thức sâu rộng, cũng như nhận định được các vấn đề có thể xảy ra để ngăn chặn rủi ro. Đối với nhân sự, bên cạnh nghiệp vụ, họ cần phải được đào tạo về đạo đức để có thể thực hiện đúng nhiệm vụ và chức năng của mình, tránh việc làm trái các quy định. Các NH cần có sự quản trị xuyên suốt trong quá trình hoạt động.
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với NH là rủi ro thanh khoản. Nhận thức của các NH về rủi ro này so với trước đây có gì thay đổi không, thưa ông?
Nếu so với trước thì nhận thức về rủi ro nói chung và rủi ro thanh khoản của các NH hiện đã khác. Tuy nhiên, có một vài NH chưa hiểu được nguyên nhân sâu xa của nó nên vẫn có động thái cạnh tranh lãi suất, đẩy lãi suất huy động lên cao. Chi phí đầu vào tăng đã dẫn đến lãi suất cho vay tăng. Nhưng nếu nói lý do đẩy lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây nhằm đảm bảo thanh khoản là không đúng với thực tế. Vì thanh khoản của các NH hiện nay được đảm bảo tốt. Mỗi NH đều có một ý tưởng khác nhau trong quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ tiền gửi. Song nếu đẩy lãi suất lên quá cao, thiếu sự tính toán kỹ lưỡng sẽ khó tránh được sự ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Theo ông, chất lượng tín dụng và rủi ro nợ xấu của NH hiện nay có gì đáng lo ngại?
NHNN có những lo lắng về chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra, thanh tra cho thấy, chất lượng tín dụng của các NH cũng như nợ xấu không có vấn đề gì đáng lo ngại. Theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của NH không được vượt quá 5% trên tổng dư nợ. Trong khi đó, tổng thể nợ xấu của toàn ngành chưa tới 5%. Song, để đảm bảo cho toàn hệ thống, cần phải giải quyết dứt điểm nợ xấu và ngăn ngừa để không phát sinh thêm nợ xấu mới. Các NH phải đưa chất lượng tín dụng lên hàng đầu. Có nghĩa là, ngay từ khi xét duyệt hồ sơ cho vay, NH cần có sự kiểm duyệt chất lượng tín dụng chặt chẽ, nhằm tránh rủi ro cho hệ thống và cả nền kinh tế.
Ông có thể cho biết, trong đợt thanh tra của NHNN về chất lượng tín dụng nói chung và hỗ trợ lãi suất (HTLS) tại các NH nói riêng mới đây có phát hiện sai phạm?
Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi có phát hiện sai phạm nhưng không nhiều. Chẳng hạn như trong việc cho vay mua nhà trả góp (tín dụng bất động sản tiêu dùng), một số NH cho vay mua nhà để cho thuê lại hoặc kinh doanh, nhưng lại liệt vào tín dụng tiêu dùng. Điều này không đúng với bản chất của tín dụng tiêu dùng bất động sản là cho vay mua nhà dưới hình thức trả góp dùng vào mục đích để ở đối với những khách hàng có nhu cầu thực sự. Riêng đối với HTLS thì hầu hết NH đã tự kiểm tra và thực hiện đúng quy định.