Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, hệ thống tài chính nói chung, ngành ngân hàng nói riêng thường được coi là tác nhân, phải "đứng mũi chịu sào", theo ông là tại sao?
Ngân hàng là trung gian tài chính, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên khi khủng hoảng xảy ra, dù khởi nguồn từ đâu, đều có tác động trực hay gián tiếp đến hệ thống ngân hàng. Trên thế giới, khủng hoảng ngân hàng không phải là hiếm, từ năm 1970 đến hết năm 2011 đã xảy ra 147 cuộc khủng hoảng ngân hàng. Nếu nhìn vào ngành ngân hàng Việt Nam, nhiều người hay đặt vấn đề "đứng mũi chịu sào", vì mấy lý do chính sau.
Thứ nhất, khi suy thoái kinh tế xảy ra, các DN gặp khó khăn về đầu ra, hàng tồn kho lớn; bất động sản đóng băng kéo theo hàng loạt lĩnh vực sản xuất trong ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… bị đình trệ. Khi đó, nợ xấu phát sinh, buộc các NHTM phải áp dụng biện pháp đảm bảo để thu hồi nợ và/hoặc cùng các biện pháp khác, gồm cả siết chặt điều kiện tín dụng, nhằm không phát sinh nợ xấu mới. Từ đó, dư luận cho rằng, “cục máu đông” xuất phát từ phía ngân hàng, chứ không phải xuất phát từ DN.
Thứ hai, đứng trên góc độ kinh tế vĩ mô có thể thấy, mỗi khi lạm phát cao là dư luận đổ dồn vào ngành ngân hàng, cho rằng ngành ngân hàng chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa kiểm soát tốt lượng cung tiền. Điều này có thể đúng một phần, nhưng chưa đủ, do ở Việt Nam, lạm phát còn do chính sách giá cả, chính sách tài khóa, đầu tư và cả yếu tố “tâm lý”. Ngoài ra, đôi khi tín dụng không đẩy ra được không phải là do yếu tố lãi suất cao, mà có thể do sức cầu (nhu cầu vay) yếu.
Thứ ba, ở Việt Nam, ngành ngân hàng giữ một vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, năm 2013, tổng tài sản hệ thống ngân hàng chiếm đến 80% quy mô thị trường tài chính, với lượng tín dụng tương đương 110% GDP. Với vai trò này, một khi ngành ngân hàng có vấn đề, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế, chưa kể đến đặc thù của ngành kinh doanh tiền tệ là mức độ “lan truyền” diễn ra nhanh chóng và nhân rộng. Ngoài ra, truyền thông chưa tốt cũng là một nguyên nhân.
Ông cho rằng, cần có một cái nhìn công bằng hơn với hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Có lẽ đúng như vậy. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng và ngành ngân hàng nói chung đã đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho nền kinh tế trong thời gian qua. Kinh tế vĩ mô đã được ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI năm 2013 tăng khoảng 6%, thấp hơn mức tăng 6,84% của năm 2012 và là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định với mức biến động tỷ giá USD/VND chỉ khoảng 1,3%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, trở về mức của năm 2005 - 2006, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, qua nghiên cứu, đánh giá giai đoạn 10 năm qua, chúng tôi thấy mối quan hệ tương quan tích cực giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng còn nhiều thách thức như nợ xấu vẫn ở mức cao, tín dụng chưa tăng trưởng như mong muốn, vấn đề sở hữu chéo, quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro... còn nhiều bất cập. Những vấn đề này đòi hỏi thời gian, sự quyết liệt tái cơ cấu của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành. Thí dụ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể sớm thành công nếu tái cơ cấu DNNN và đầu tư công diễn ra chậm chạp.
Có mối quan hệ tương quan tích cực giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế
Theo ông, ngành ngân hàng cần làm gì để thị trường đánh giá đúng vị trí, vai trò của mình?
Bên cạnh việc duy trì kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định giá trị VND, đảm bảo an toàn hệ thống, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống…, thì cần đẩy mạnh một số trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách thể chế. Theo đó, tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng hiệu lực thực thi; hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của một NHTW hiện đại; đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng (tiến tới giám sát dựa trên mức độ rủi ro thay vì giám sát mang tính hành chính); nâng cao năng lực của các định chế tài chính (nhất là năng lực tài chính, quản trị và quản lý rủi ro, ứng dụng CNTT); nâng cao năng lực thu thập, quản lý số liệu, nghiên cứu, phân tích và dự báo của NHNN; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như giáo dục kiến thức tài chính - ngân hàng…
Hai là, đẩy mạnh và tăng hiệu quả công tác truyền thông để công luận hiểu về hoạt động của ngân hàng. NHNN phối hợp với báo chí, các cơ quan liên quan để định hướng thông tin dư luận, không chỉ mổ xẻ những hạn chế, phản biện chính sách, mà còn đánh giá khách quan về những kết quả đạt được, qua đó củng cố niềm tin của thị trường đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Ba là, từng bước tăng tính độc lập của NHNN. Tăng tính độc lập của NHNN sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và thị trường hiểu rõ, đúng hơn về vai trò, vị trí của NHNN. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, mức độ độc lập của NHTW tỷ lệ thuận với việc kiểm soát lạm phát và giảm thâm hụt ngân sách. Xét trong bốn cấp độ độc lập của IMF (2004) thì NHNN Việt Nam nằm ở cấp độ thứ 4 - “độc lập tự chủ hạn chế”. Mặc dù Luật NHNN 2010 và thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều tiến bộ và thành công, song vẫn bị hạn chế bởi tính độc lập chưa cao trong việc đưa ra quyết định chính sách tại một vài thời điểm quan trọng.
Bốn là, tăng minh bạch trong công bố thông tin. Ngành ngân hàng vốn được xem là ngành quan trọng, song đặc biệt nhạy cảm. Do đó, những thông tin rõ ràng, nhất quán và xác thực về ngành luôn là nhu cầu đối với không chỉ dư luận, nhà đầu tư, mà còn đối với các khách hàng, đối tác, tổ chức quốc tế. Việc minh bạch thông tin bao gồm thông tin trong điều hành, hoạch định chính sách tiền tệ của NHNN, các thông tin về hệ thống NHTM... Đây không chỉ là nguyên tắc trong các Hiệp ước Basel, mà còn là tiêu chí định hạng của các tổ chức định hạng độc lập khi đánh giá về ngành ngân hàng. Việc minh bạch thông tin đồng thời giúp dư luận tiếp cận thông tin chính thống dễ dàng, thuận tiện hơn, qua đó hiểu rõ và đánh giá đúng hơn về vai trò của ngành ngân hàng. Đây cũng là phương thức hiệu quả giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo và yếu tố tâm lý trên thị trường tiền tệ.
Năm là, phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phải nhịp nhàng, đồng điệu hơn, mới góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo động lực, chất lượng tăng trưởng.
Để đón vận hội mới của nền kinh tế, theo ông, ngành ngân hàng cần những bước chuyển mình như thế nào?
Vận hội mới của nền kinh tế bao gồm sự chuyển mình của nền kinh tế trong nước và những diễn biến kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Để thành công, đương nhiên ngành ngân hàng phải làm tốt đồng thời hai trận tuyến: đón nhận cơ hội và phòng thủ chắc chắn trước những rủi ro - những cú sốc bên ngoài sẽ có ảnh hưởng ngày càng mạnh hơn.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cần kiên định thực hiện 2 mục tiêu quan trọng nhất là ổn định giá trị đồng tiền và giám sát an toàn hệ thống; đồng thời giải quyết các vấn đề cốt lõi trong cải cách thể chế của hệ thống tài chính - ngân hàng như đã nêu trên; hoàn tất công cuộc tái cơ cấu các TCTD đúng hạn; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện khả năng Việt Nam tham gia TPP năm nay và Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối năm 2015. Thí dụ, NHNN xây dựng và yêu cầu lộ trình cụ thể có kiểm soát để bản thân NHNN và hệ thống NHTM đáp ứng các chuẩn mực về an toàn trong hoạt động theo Basel II, cũng như lộ trình mở cửa hệ thống ngân hàng theo các cam kết quốc tế.
Về phía các NHTM, phải quyết liệt thực hiện các đề án tái cơ cấu. Theo đó, tập trung nâng cao năng lực tài chính (vốn), lành mạnh hóa bảng tổng kết tài sản (xử lý nợ xấu), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đột phá đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, chủ động trong công tác nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, cung cấp mảng dịch vụ tư vấn, quản lý tài sản cá nhân giàu có - đây là mảng dịch vụ mà hệ thống NHTM Việt Nam còn rất yếu, dường như đang bỏ ngỏ cho các định chế tài chính nước ngoài triển khai và kiếm lợi nhuận “kếch xù”. Dự báo, dịch vụ tư vấn, nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngân hàng hiện đại sẽ gia tăng trong tương lai cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, các NHTM cần chủ động M&A để có được các giao dịch sáp nhập “thân thiện/tự nguyện”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, M&A “tự nguyện” đem lại kết quả tốt hơn so với M&A “cưỡng ép”. Các NHTM cũng cần xây dựng và thực thi chiến lược hội nhập, vì đây là điểm yếu của các NHTM Việt Nam.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là vai trò của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: cần phát huy hiệu quả và nâng cao sức mạnh của Hiệp hội, đặc biệt trong các dự án liên kết thanh toán, liên kết hoạt động giữa hệ thống NHTM để tận dụng và tránh lãng phí nguồn lực, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thí dụ, ở nhiều nước, thay vì mỗi NHTM có các POS riêng, tranh nhau đặt cùng một chỗ, pháp luật cho phép một công ty chuyên kinh doanh, lắp đặt POS, đảm bảo chuyên môn hóa, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, Hiệp hội có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động ngân hàng như xử lý tài sản đảm bảo, phát triển thị trường mua bán nợ…
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |