Đó là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính - Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/11 vừa qua.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó việc giảm thuế và giãn thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với ưu đãi về thuế TNDN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được áp dụng các hình thức kê khai, nộp thuế đơn giản, thuận lợi để giảm chi phí tuân thủ.
Những biện pháp hỗ trợ này đã có những tác động nhất định đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2011, có khoảng 200.000 trên tổng số 360.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam được giãn thuế.
Riêng đối với doanh nghiệp thuộc diện được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011 khoảng 303.200 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 236.500, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khoảng 66.700, thu ngân sách giảm khoảng 3.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Giảng viên Khoa Thuế - Hải quan thuộc Học viện Tài chính, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn một số bất cập xung quanh chính sách thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm mà chưa có chiến lược dài hơi cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
“Biện pháp ưu đãi chủ yếu là giãn, gia hạn và giảm thuế TNDN, vì vậy chỉ giải quyết được một phần khó khăn trước mắt, tạm thời cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc diện được giãn thì đến năm sau phải nộp dồn khoản thuế TNDN của cả 2 năm sẽ lại càng khó khăn hơn.
Cơ chế khuyến khích chưa đủ mạnh, các biện pháp quản lý thuế chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quá trình quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hằng phân tích.
Bên cạnh đó, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn đang phải đối mặt. Nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những doanh nghiệp siêu nhỏ lại không có thói quen đi vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ.
Nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng trong khi bản thân họ lại không hề muốn công khai minh bạch sổ sách chứng từ. Vì vậy, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn.
Đặc biệt theo ông Thành, vấn đề đặt ra là với số lượng lớn như vậy nhưng “sức khoẻ” của các doanh nghiệp siêu nhỏ như thế nào trong bối cảnh khó khăn về vốn, tài chính luôn đeo đẳng, chưa kể họ có khả năng trụ vững trong cạnh tranh rồi lớn lên thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay lại loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì sau một thời gian ngắn mới thành lập rơi vào “điệp khúc” đóng cửa, giải thể?
Ông Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho hay, hiện Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng khác đã và đang nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những doanh nghiệp siêu nhỏ lại không có thói quen đi vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ.
- TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tính hiệu lực của các văn bản đã chỉ dẫn cho các cơ quan thực thi chính sách trong công tác quản lý của mình đối với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể trong nước.
Tuy nhiên, có một số bất cập đã bộc lộ trong việc triển khai đã và đang làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng mà trong đó chính sách hỗ trợ về thuế, và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, để tăng cường hiệu quả hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và siêu nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các giải pháp cụ thể được đề xuất như đưa ra mức thuế suất phổ thông của doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn mức thuế suất phổ thông của các doanh nghiệp khác; áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khởi nghiệp để khuyến khích sự phát triển các đối tượng này trong giai đoạn đầu, áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh.
Đồng thời, đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; các hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp siêu nhỏ như áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, ưu đãi đóng bảo hiểm bắt buộc thấp hơn trong một khoảng thời gian nhất định cho doanh nghiệp mới thành lập so với doanh nghiệp thông thường.