Cần chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang “tích hợp đa giá trị”

0:00 / 0:00
0:00
Gửi thông điệp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và “thuận thiên".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hoạt động tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hoạt động tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN)

Ngày 23/9, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm do Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chủ trì tổ chức nhân dịp Khoá họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp ghi hình quan trọng, để đóng góp ý kiến cùng Lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc, thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp về chủ đề có ý nghĩa hết sức thiết thực này.

Phát biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao các nước cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác đa phương để chung tay thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và thay đổi cách thức sản xuất, xử lý và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để chuyển đổi các hệ thống lương thực theo hướng lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn, bảo vệ tốt hơn con người và hành tinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, đóng góp tích cực vào việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Chia sẻ ý kiến với Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự phối hợp giữa các quốc gia và các đối tác trong hệ thống Lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân và bảo đảm lương thực chính là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” và thực hiện các Mục tiêu SDGs.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Hội nghị cần thúc đẩy các biện pháp sáng tạo nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, trong đó cần chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang “tích hợp đa giá trị” bao gồm cả giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan, môi trường, nhấn mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và “thuận thiên", bảo tồn đa dạng sinh học.

Chủ tịch nước cho rằng cần đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất và vừa phát triển kinh tế nông thôn, lấy người nông dân làm trung tâm, đồng thời tạo môi trường thực phẩm lành mạnh, thói quen ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng, xu thế tiêu dùng xanh, có trách nhiệm.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đề cao yêu cầu chuyển đổi số cùng đổi mới chính sách, thể chế, hình thành các mạng lưới đổi mới, sáng tạo và khẳng định Việt Nam mong muốn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại khu vực, và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục