Đó là khuyến nghị về vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường giai đoạn 2016 - 2020: Những vấn đề cải cách thể chế” do Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Việt Nam sau 30 năm đổi mới có một khái niệm vẫn chưa xác định rõ ràng, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Sự đầu tư, duy trì vốn nhà nước dàn trải tại nhiều DN và nhiều ngành, lĩnh vực làm cho quy mô của DNNN nhỏ, manh mún, khó tận dụng được lợi thế quy mô, hiệu quả hoạt động không cao, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp" - TS. Nguyễn Đình Cung.
“Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh khái niệm này. Những điểm chưa rõ là vai trò của Nhà nước, DNNN, mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Do đó, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, tìm sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn, tìm sự phù hợp để thực hiện đối với nền kinh tế của Việt Nam”, ông Cung nói.
Về vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, ông Cung cho biết, thời gian qua, ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn tài trợ lớn nhất cho đầu tư công, nhưng gần đây, đầu tư công có xu hướng phụ thuộc vào nguồn vốn vay, làm gia tăng nợ công. Đầu tư công hiện tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh tế và tiết chế đầu tư xã hội. Mặc dù đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua có giảm, nhưng không đáng kể; trong đầu tư công cho những ngành dịch vụ công, liên quan trực tiếp đến phát triển con người, thì hầu như không có sự chuyển biến rõ rệt. Không những thế, hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm, luôn thấp hơn hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế và khoảng cách có xu hướng ngày càng doãng rộng.
Theo lý giải của ông Cung, một trong những vấn đề dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp là do chất lượng công tác ước tính nguồn vốn, hiệu quả quản lý kém, dẫn đến các dự án bị đội vốn lên rất nhiều.
“Sự đầu tư, duy trì vốn nhà nước dàn trải tại nhiều DN và nhiều ngành, lĩnh vực làm cho quy mô của DNNN nhỏ, manh mún, khó tận dụng được lợi thế quy mô, hiệu quả hoạt động không cao, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp. Đầu tư công trong ngân sách và DNNN giảm, nhưng vốn vay tăng lên. Ngân sách vài năm gần đây thu không đủ bù chi thường xuyên, nên đầu tư phải vay ở đâu đó. Nếu chấm điểm hiệu quả đầu tư Nhà nước thì Việt Nam chưa được 1 điểm trên thang điểm 10”, ông Cung nói.
Theo ông Sandeep Maha Jan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thời gian qua, vẫn còn một số yếu tố làm méo mó nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều bộ, ngành vừa điều tiết, vừa là chủ sở hữu nhà nước, đưa ra chính sách và hưởng lợi từ chính những chính sách đó. Điều này giải thích tốc độ tăng năng suất của Việt Nam suy giảm trong 15 năm qua.
“Vai trò nhà nước còn phân tán, chức năng và trách nhiệm chưa được xác định rõ ràng. Ví dụ, về quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, việc phân định vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý bộ, ngành vẫn chưa rõ, dẫn tới tình trạng chồng chéo, can thiệp không đúng với vai trò của mình vào các hoạt động của thị trường. Biểu hiện rõ nhất là Nhà nước thông qua các DNNN để can thiệp trực tiếp vào thị trường, bóp méo sự phân bổ nguồn lực và các yếu tố mang tính quy luật thị trường, dù thời gian qua có nhiều tiến bộ trong cổ phần hóa”, ông Sandeep Maha Jan nhận xét.
Theo các chuyên gia, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, không đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho DN và các lĩnh vực sản xuất, thương mại; bố trí một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia các dự án hạ tầng theo mô hình PPP. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Đối với khu vực DNNN, theo kiến nghị của ông Cung, nên mạnh dạn tư nhân hẳn lĩnh vực Nhà nước không nên nắm như khách sạn, vận tải, thương mại… Đối với các DNNN còn lại, cần tách quyền sở hữu nhà nước khỏi các bộ, ngành. Lập cơ quan quản lý riêng.
“Nếu làm được các việc này trong vòng 5 năm tới thì đã là bước tiến lớn về chất trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của vai trò nhà nước trong nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, ông Sandeep Maha Jan cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, Việt Nam cần phải giải quyết xung đột lợi ích; theo đó, nâng cao trách nhiệm giải trình và chấm dứt tình trạng các bộ, ngành trực tiếp quản lý các DN như hiện nay.