Trên con phố trung tâm khu tài chính Đài Bắc, Tòa nhà của Tập đoàn Chứng khoán Yuanta đứng sừng sững như một biểu tượng của sự cổ kính. Đây là công ty chứng khoán có lịch sử lâu đời nhất Đài Loan (Trung Hoa), ra đời từ năm 1961 và đang giữ vị trí số 1 về thị phần.
Dẫn chúng tôi đi dạo phố là 3 nhân sự trẻ đang làm việc tại Tập đoàn. Nhân sự Yuanta năng động và lịch thiệp, khác hẳn với hình ảnh các cụ ông, cụ bà 70-80 tuổi vừa chăm chú nhìn bảng điện, vừa uống ngũ cốc mà chúng tôi chứng kiến tại Sàn giao dịch của Yuanta.
Mở 1 tài khoản, nhà đầu tư được giao dịch khắp nơi
Trong câu chuyện bên lề công việc, tôi được biết, người Đài Loan (Trung Hoa) có lối sống rất giản dị. Tập đoàn Chứng khoán Yuanta đang phục vụ trên 4.000.000 khách hàng, trong đó có trên 3.000 khách hàng có tài khoản giá trị từ 1 triệu USD trở lên.
Trong các khách hàng VIP này, có các ông già, bà lão, ngày ngày có mặt trên sàn chứng khoán. Hàng ngày, những người già đến sàn như một loại công việc.
Khi con cháu đi làm hết, họ đến đây để được những bạn trẻ, các chuyên gia am hiểu chứng khoán phục vụ, hướng dẫn giao dịch, cách kiếm tiền trên TTCK và đến đây còn để được kết nối những người bạn già.
Cả mặt sàn rộng chừng 300 m2 có khoảng 20 nhà đầu tư chăm chú nhìn bảng điện. Người trẻ nhất chắc cũng 70 tuổi, còn già nhất đã 85 tuổi, thậm chí có cụ còn đi xe lăn, vẫn đều đặn bám sàn.
Chờ mãi phút thảnh thơi của nhà đầu tư già nhất sau khi ông ra quyết định đặt lệnh, tôi tiến đến gần làm quen. Khi nghe tôi nói đến từ Việt Nam, ông nhìn tôi cười đôn hậu và bảo, ông không có thông tin về TTCK Việt Nam, nhưng ở Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông biết.
Ông kể, đến sàn là công việc và cũng là niềm vui mỗi ngày. Nếu muốn ngắm cả thị trường thì xem bảng lớn (bảng có hàng trăm mã chứng khoán).
Còn muốn tìm hiểu sâu thì xem bảng nhỏ. Đó là những chiếc máy tính được xếp vòng tròn ở giữa sàn chứng khoán, giúp mọi người xem biểu đồ phân tích kỹ thuật từng mã hay kiểm tra thông tin về sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Sở GDCK Đài Loan, ông Lih-Chung Chien (bên phải) cùng Tổng giám đốc Tập đoàn Chứng khoán Yuanta, ông Arthur Chen trong cuộc trả lời phỏng vấn các nhà báo đến từ Việt Nam.
Bên cạnh ghế ngồi của các nhà đầu tư đặc biệt này là thức ăn, nước uống và cả những hộp thuốc để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Nhìn những người già 70-80 tuổi chăm chú nghiên cứu, đầu tư bỗng thấy văn hóa đầu tư ở đây thật đặc biệt. Người già đã vậy, người trẻ chắc “khoái” chứng khoán đến chừng nào.
Tại TTCK Đài Loan, 61,88% số lệnh giao dịch được thực hiện Online và quầy môi giới tại đây luôn có các phiếu lệnh bằng giấy, phiếu lệnh mua, bán, hoặc tham gia đấu giá IPO… để phục vụ cho những nhà đầu tư không thể dùng Internet.
Để hỗ trợ người cao tuổi dễ dàng viết phiếu lệnh, Yuanta chuẩn bị sẵn một giá treo kính với đủ các loại viễn, cận khác nhau. Ai cũng có thể sử dụng để nhìn rõ hiện trạng thị trường cũng như phiếu lệnh của mình.
Trong bức tranh tổng quan, TTCK Đài Loan được tổ chức theo mô hình 3 Sở, gồm Sở GDCK là Sở GDCK Đài Loan, Sở GDCK Taipei, Sở GDCK phái sinh, cùng một Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Toàn thị trường có vốn hóa trên 1.000 tỷ USD, giá trị giao dịch khoảng 6 tỷ USD/ngày với 73 công ty chứng khoán cùng hoạt động.
Thị trường lớn nhất có 935 doanh nghiệp niêm yết, thị trường tiếp theo có 756 doanh nghiệp niêm yết, ở đây có cả thị trường dành cho các doanh nghiệp chưa niêm yết và doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên các Sở là Cơ quan Quản lý tài chính.
Cơ quan Quản lý tài chính đồng thời quản lý 4 bộ phận: Giám sát, Chứng khoán, Ngân hàng và Bảo hiểm. Có lẽ vì có sự thống nhất quản lý như vậy nên những vấn đề pháp lý thúc đẩy cho dòng chảy vốn thông suốt và hiệu quả đã được Đài Loan thực hiện từ lâu.
Từ 10 năm nay, nhà đầu tư chỉ cần mở 1 tài khoản tại TTCK Đài Loan là có thể mua bán chứng khoán cả ở Mỹ, Đức, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan…
Về phía thị trường, “cánh cổng” mở cho vốn ngoại vào Đài Loan cũng rất rộng rãi. Như Tổng giám đốc Sở GDCK Đài Loan, ông Lih-Chung Chien chia sẻ, thì chỉ có 2 ngành nghề là vận chuyển và công nghệ còn bị hạn chế tỷ lệ đầu tư tối đa với người nước ngoài. Còn lại là hoàn toàn tự do.
Vốn từ Ðài Loan có quan tâm đến Việt Nam?
Khi tôi hỏi một bạn trẻ tại đây về việc liệu nhà đầu tư Đài Loan có quan tâm đến TTCK Việt Nam không, câu trả lời tôi nhận được là một câu hỏi:
Liệu Việt Nam có thực sự “mở cổng” cho dòng vốn ngoại chảy vào sàn hay không? Với quy định hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam phải mở tài khoản tại CTCK đang hoạt động tại Việt Nam và thủ tục chuyển tiền vào - ra khá phức tạp nên sẽ khó thu hút được dòng vốn từ các cá nhân đang giao dịch trên các thị trường hiện đại.
Tại Đài Loan, Yuanta đang phục vụ trên 4.000.000 khách hàng. Trong hơn 3.000 khách hàng VIP (có tài khoản từ 1 triệu USD trở lên) có nhiều người 70 - 80 tuổi, ngày nào cũng đến sàn như một công việc, như một niềm vui tuổi già
Lúc nào trước mặt nhà đầu tư nơi đây cũng có nhiều “món hàng” hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chính sách của Việt Nam có sự cởi mở hơn, cho phép nhà đầu tư tích hợp đầu tư trên 1 tài khoản như các nước khác, thì chắc chắn sẽ kết nối được nhiều nhà đầu tư đại chúng bên ngoài lãnh thổ quan tâm rót vốn vào TTCK Việt Nam.
Những món hàng hấp dẫn có thể kể đến như cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như Intel, Microsoft, Cisco, JP Morgan, Golman Sachs, Sony, Hitachi…
Tất cả đều được tích hợp trong bản tin hàng ngày Yuanta phát cho nhà đầu tư cả bằng online và bản in. Bản tin cũng cập nhật những diễn biến lớn có ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu và đưa ra một số khuyến nghị giao dịch cho nhà đầu tư.
Có nhiều sự khác biệt giữa thị trường Đài Loan với Việt Nam. Chẳng hạn, do trọng màu đỏ, nên người Đài Loan quy định, màu đỏ là màu chiến thắng, màu TTCK tăng điểm, còn màu xanh là màu thị trường giảm.
Thời gian giao dịch tại đây từ 9h sáng và kéo dài đến 1h chiều, không nghỉ trưa như Việt Nam. Sàn chứng khoán niêm yết có hàng trăm mã được sử dụng làm căn cứ cho các công ty chứng khoán xây dựng sản phẩm chứng quyền.
Chứng quyền ở Đài Loan giao dịch rất sôi động do cả hai phía cung và cầu đều “khỏe”. Trong khi đó tại Việt Nam, sản phẩm chứng quyền vẫn là dự án do Sở GDCK TP. HCM đề xuất, đang chờ Bộ Tài chính chấp thuận, hiện vẫn chưa chốt được ngày ra đời.
Nét tương đồng giữa TTCK Đài Loan và Việt Nam là quy định về mệnh giá chứng khoán.
Trong khi tại các thị trường tiên tiến không tồn tại khái niệm mệnh giá mà họ sử dụng khái niệm giá trị sổ sách bên cạnh khái niệm thị giá, thì tại Đài Loan, mệnh giá cổ phần vẫn được quy định.
Các doanh nghiệp lên sàn phải có tiêu chí vốn điều lệ, còn các tổ chức tài chính trung gian khi gia nhập thị trường chứng khoán nơi đây sẽ phải thực hiện ký quỹ trên mỗi nghiệp vụ, ví dụ nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 50.000.000 Đài Tệ (tương đương khoảng 1,67 triệu USD).
Các công ty có thể ký quỹ bằng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ và khoản tiền này được cơ quan quản lý giữ lại, làm đảm bảo cho các hoạt động xử lý khi công ty chứng khoán rơi vào rủi ro.
Đường phố, cao tốc, tàu điện trên cao hay đi tàu ngầm dưới đất tại đây đều dài rộng, nhưng các khu nhà ở thì đều nhỏ nhỏ, xinh xinh như kiểu người Đài Bắc tiết kiệm từng m2 đất cho các lợi ích công cộng.
Trước thực tế nguồn lực đất đai không “nở” ra được, giới tài chính lão làng Đài Loan đang nhìn thấy ở Việt Nam một cơ hội lớn. TTCK Việt Nam đang ở quy mô nhỏ, các sản phẩm tài chính còn sơ khai nên có rất nhiều không gian để phát huy kinh nghiệm của các TTCK đi trước.
Trong khi đó, các bạn trẻ Đài Loan làm việc ở Đài Loan có thể cần đến 15-20 năm mới tiết kiệm mua được 1 căn nhà, còn tại Việt Nam, có thể mua căn nhà có tiện ích tương đương với giá chỉ bằng 25-50%.
Nhìn từ nền kinh tế Đài Loan, nơi GDP tăng trưởng 2%/năm và lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện dưới 1% thì những yếu tố nền tảng của thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn hẳn khi có nền kinh tế ổn định với tăng trưởng GDP cao, lãi suất huy động ngân hàng 6-7%.
Tập đoàn Yuanta quyết định đầu tư CTCK 100% vốn tại Việt Nam vào thời điểm này nhằm mở một cánh cổng cho các nhà đầu tư Đài Loan biết về TTCK Việt Nam.
Cùng với đó, lãnh đạo Yuanta chia sẻ, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Đài Loan vào Việt Nam cũng rất lớn và từ đây hình thành nên một lớp doanh nhân Đài Loan có dòng tiền nhàn rỗi ở Việt Nam.
Nếu khơi thông được 2 dòng mạch vốn này thì chắc chắn TTCK Việt Nam cũng sẽ có thêm nguồn lực để lớn mạnh và các nhà đầu tư Đài Loan cũng có lợi ích khi có thêm cơ hội “cùng thắng” với doanh nghiệp và TTCK Việt Nam.
Các bạn trẻ từ Yuanta Đài Loan sang Việt Nam làm việc mang theo kiến thức, kinh nghiệm và cả khát vọng phát triển công ty chứng khoán nơi đây để trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới Yuanta trên thị trường tài chính quốc tế.
Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có thêm một mắt xích kết nối lành mạnh và chuyên nghiệp, góp sức cho dòng chảy tài chính được thông suốt và hiệu quả hơn.