MSC: 3 năm lên sàn, 2 năm thua lỗ
Theo thông báo của HNX, cổ phiếu MSC bị đưa vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 5/3/2020. Theo đó, MSC chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Lý do là Công ty vừa báo lỗ năm thứ hai liên tiếp.
Trước đó, cổ phiếu MSC đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 16/4/2019 do lợi nhuận sau thuế năm 2018 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 trên báo cáo tài chính kiểm toán là số âm. Năm 2018, MSC ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 164 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, MSC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 793 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước.
Dù giá vốn hàng bán giảm 22% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 222 triệu đồng, năm 2018 âm 84 tỷ đồng.
Chi phi quản lý doanh nghiệp cũng giảm sâu từ 52,3 tỷ đồng xuống còn 6,7 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí bán hàng lại tăng mạnh 71% so với năm 2018, lên tới hơn 42 tỷ đồng do tuyển dụng nhiều nhân sự bán hàng, đáp ứng cho hoạt động kinh doanh ô tô.
Trong khi đó, Công ty lại chỉ có 800 triệu đồng doanh thu tài chính, giảm mạnh so với con số 14 tỷ đồng của năm trước, đồng thời không ghi nhận 8 tỷ đồng lợi nhuận khác như cùng kỳ. Kết quả, Công ty lỗ ròng 50 tỷ đồng.
Theo giải trình của MSC, hiệu quả kinh doanh yếu kém là do hoạt động kinh doanh ngành điện tử giảm sút, hàng hóa bị lỗi thời, chậm luân chuyển, không còn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh ô tô mới đưa vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2019 nên không đủ bù đắp cho khoản doanh thu sụt giảm của hoạt động kinh doanh điện tử.
Trong năm 2019, MSC chính thức bán lại thương hiệu đầu karaoke Arirang do doanh số liên tục sa sút kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp, song song với việc thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản doanh nghiệp còn 303 tỷ đồng, giảm 66% chỉ sau 2 năm.
Hoạt động kinh doanh của MSC bắt đầu sa sút từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế từ mức gần trăm tỷ đồng rơi xuống còn khoảng 20 tỷ đồng trong năm 2017.
Ðây cũng là năm 22,5 triệu cổ phiếu MSC bắt đầu giao dịch trên sàn HNX với mức giá tham chiếu 26.000 đồng/cổ phiếu.
Kinh doanh thua lỗ hai năm liên tiếp, nhưng thị giá cổ phiếu MSC hiện đang treo ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu với hiện trạng đóng băng giao dịch. Nếu phiên nào có giao dịch khớp lệnh, khối lượng cũng rất nhỏ giọt.
SMT: Lần đầu báo lỗ từ ngày chào sàn
HNX cũng quyết định đưa toàn bộ 5,5 triệu cổ phiếu SMT của CTCP Sametel vào diện bị cảnh báo từ 6/3/2020.
Nguyên nhân cũng là do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 là số âm. Cùng với việc bị đưa vào tình trạng bị cảnh báo, HNX cũng thông báo về việc đưa cổ phiếu SMT vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
CTCP Sametel được thành lập năm 2005, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Long Thành, Ðồng Nai.
Doanh nghiệp chủ yếu sản xuất, lắp ráp các thiết bị, vật liệu điện và viễn thông; mua bán, xuất nhập khâu, đại lý ký gửi thiết bị, nguyên vật liệu điện và viễn thông, hàng kim khí điện máy; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; trang trí nội thất.
Lũy kế cả năm 2019, SMT chỉ đạt gần 231 tỷ đồng doanh thu, giảm một nửa so với mức thực hiện năm 2018. Giá vốn bán hàng ghi nhận 189 tỷ đồng, cũng giảm 50% so với năm 2018.
Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 41 tỷ đồng, tương đương một nửa năm 2018. Mặc dù các khoản chi phí phát sinh trong năm đã được tiết giảm đáng kể, song cả năm Công ty vẫn lỗ ròng gần 9 tỷ đồng. Ðây là năm lỗ đầu tiên của Công ty kể từ ngày chào sàn HNX từ hồi tháng 7/2010.
Tương tự MSC, thanh khoản của cổ phiếu SMT rất nhỏ giọt, rất nhiều phiên trắng thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, thị giá của cổ phiếu này ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu, giảm 43% từ đỉnh lập được hồi cuối tháng 5/2019 và giảm 20% trong vòng 1 năm qua.