
Trước ngày đại hội
Kinh nghiệm từ những DN đã làm tốt IR (Investor Relation - quan hệ nhà đầu tư) cho thấy, nếu làm tốt IR mùa ĐHCĐ, không những ĐHCĐ thông suốt mà hình ảnh và uy tín DN trong mắt nhà đầu tư cũng tốt lên rất nhiều. Tuy nhiên, soi lại quá trình trước -trong - sau mỗi kỳ ĐHCĐ ở các DN niêm yết, mới thấy công tác IR ở phần lớn DN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của nhà đầu tư.
Nếu chỉ căn cứ theo những quy định pháp luật thì công tác IR trước ĐHCĐ thường gồm các hoạt động liên quan đến việc chốt danh sách cổ đông, lên thư mời tham dự ĐHCĐ, gửi thư mời đến cổ đông, gửi mẫu chỉ định ủy quyền, lên chương trình họp, chuẩn bị phiếu biểu quyết, chuẩn bị các tài liệu thảo luận trong đại hội…
Khảo sát của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại 100 DN niêm yết có vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam cho thấy, 88% DN có cơ chế tốt để tạo thuận lợi cho cổ đông đến dự ĐHCĐ. Tuy nhiên, chất lượng và cách thức thông báo ĐHCĐ lại có vấn đề. Chẳng hạn, không thiếu trường hợp thông báo mời họp ĐHCĐ không đến được với cổ đông. Hay cổ đông muốn thực hiện ủy quyền cũng không biết cách, vì quy trình ủy quyền còn rắc rối. Ngoài ra, nhiều DN thường thiếu thông tin cung cấp cho cổ đông về kết quả kinh doanh năm trước, kế hoạch năm nay, phương án phân chia lợi nhuận… Vì thế, nhà đầu tư thường khó khăn trong việc ra quyết định tại ĐHCĐ. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, những tài liệu như báo cáo thường niên, tình hình thù lao cho HĐQT, thông tin về năng lực, kinh nghiệm của đơn vị kiểm toán đều phải được gửi kèm đến cổ đông cùng với thư mời họp.
Trong kỳ ĐHCĐ
Thực tế, chỉ 48% DN trong các công ty mà IFC tiến hành nghiên cứu là có dành thời gian cho cổ đông đặt câu hỏi trong khi diễn ra đại hội. Trong khi đó, đây lại là nhu cầu cấp thiết của cổ đông. Họ cần được quyền chất vấn những vấn đề mà chưa rõ hoặc nghe những thông tin chính thức từ lãnh đạo DN liên quan đến hoạt động của DN trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
Tại những địa chỉ mà công tác IR được chú trọng, DN luôn có chính sách và quy trình rõ ràng để cổ đông đặt câu hỏi trong ĐHCĐ. Thậm chí, các thành viên ban lãnh đạo những đơn vị này còn thúc đẩy đối thoại hiệu quả giữa người điều hành và cổ đông khi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, không giấu diếm. Kết quả, cổ đông cảm thấy hài lòng vì quyền được biết thông tin của họ đã được tôn trọng.
ĐHCĐ là dịp hiếm hoi để cổ đông thực hiện cùng lúc nhiều quyền của mình như quyền biểu quyết, quyền đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên HĐQT và ban kểm soát… Tuy nhiên, các quy định hiện hành cũng như bản thân các DN vẫn chưa tạo điều kiện thật tốt để những quyền này được thực thi hiệu quả. Chẳng hạn, muốn đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT, cổ đông phải nắm ít nhất 10% vốn cổ phần ở DN. Theo IFC, đây là ngưỡng quy định cao hơn so với thông lệ quốc tế. Hay nhiều bằng chứng cho thấy, cổ đông ít có được thông tin về năng lực của các thành viên HĐQT, nên quyền bỏ phiếu của cổ đông đôi khi chỉ là hình thức. Nếu DN quan tâm công tác IR mùa ĐHCĐ, đây phải là thông tin cần cung cấp.
Ngoài ra, yêu cầu đối với một DN thực hiện tốt công tác IR là những vấn đề lớn khác như các kế hoạch giao dịch quan trọng (như bán tài sản, mua bán sáp nhập…), lựa chọn công ty kiểm toán, chính sách trả cổ tức, vấn đề lương thưởng… phải được công bố sớm và rõ ràng. Chẳng hạn, ngoài tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả, DN cần thông tin thêm về phương thức thanh toán, thời gian thanh toán cổ tức. Hay bên cạnh việc công khai mức lương, thưởng của từng cá nhân thành viên ĐHQT, DN cần giải thích rõ hơn về cách thức chi trả thù lao đó, việc chi trả dựa vào căn cứ nào và đã cân bằng lợi ích với sự phát triển bền vững của công ty chưa?
Nhìn lại các DN Việt Nam, những thông tin này thường nghèo nàn. Vì thế, cổ đông khó có thể bàn sâu, góp ý hay thực hiện tốt các quyền biểu quyết liên quan đến những nội dung trên.
Sau ĐHCĐ
Đối với nhiều DN, việc công bố nghị quyết ĐHCĐ được xem như kết thúc các công việc của một kỳ ĐHCĐ. Tuy nhiên, kể cả khi chỉ tuân thủ đến bước này, giới đầu tư cho rằng, DN cũng chưa thực hiện tốt. Nghị quyết ĐHCĐ của đa số DN chỉ dừng ở cung cấp các kết quả được thông qua. Còn những thông tin ghi nhận từ đại hội, liên quan đến các vấn đề phát sinh, tranh luận, trao đổi trong cuộc họp thường không được nhắc tới.
Thực tế cho thấy, nếu DN làm tốt IR, cổ đông không phải đợi đến kỳ ĐHCĐ mới biết được thông tin. Bởi cứ hễ có thắc mắc gì liên quan đến hoạt động DN, nhà đầu tư đều có thể tiếp cận, đặt câu hỏi và nhận được phản hồi từ công ty. Cách thức này vừa tạo ấn tượng cho giới đầu tư vì tính minh bạch, đồng thời cũng dễ tạo nên sự đồng thuận tại ĐHCĐ.
Ông Bùi Kim Hiếu, Phó tổng giám đốc CTCP Thủy sản Bến Tre (ABT)
Từ khi cổ phần hóa, chúng tôi đã xác định phải coi trọng công tác IR, vì quyền lợi cổ đông và cũng là vì hình ảnh của ABT. Để làm tốt công tác này, chúng tôi đã xây dựng cho mình những quy trình để có thể cung cấp thông tin kịp thời và chính xác.
Đối với công tác tài chính kế toán, chúng tôi ứng dụng phần mềm hiện đại ERP để có thể có kết quả số liệu nhanh nhất. Đối với những thông tin khác, chúng tôi ý thức rằng, có thông tin mới là phải cung cấp ngay. Công ty cũng định kỳ chủ động gặp gỡ nhà đầu tư để giúp họ có cái nhìn đúng nhất về ABT.
Không thể đong đếm rành mạch hiệu quả từ việc đầu tư cho công tác IR, nhưng rõ ràng, hầu hết cổ đông luôn tin tưởng vào Công ty. Mặc dù vậy, theo tôi, muốn làm tốt IR, vẫn cần thêm yếu tố là DN phải hoạt động tốt. Có kinh doanh tốt, DN mới nhiệt tình trong công bố thông tin.
Ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc đầu tư, CTCP Cơ điện lạnh REE (REE)
REE đã xem trọng công tác IR từ rất lâu. Mục tiêu của Công ty khi triển khai IR là thông tin phải minh bạch, kịp thời.
Mọi thắc mắc từ nhà đầu tư đều phải được giải đáp. Vì thế, khi nhà đầu tư có nhu cầu về thông tin, họ có thể dễ dàng liên hệ với chúng tôi qua email, điện thoại hay đề nghị gặp trực tiếp đều được đáp ứng. Chúng tôi có bộ phận chuyên lo việc này.
Đặc biệt, chúng tôi xác định, website Công ty phải là nơi cung cấp thông tin chính thống, kịp thời của REE đến nhà đầu tư, nên dù công bố thông tin ở đâu, cho UBCK hay cho báo giới, chúng tôi đều song hành công bố trên webstie của mình. Vì thế, cổ đông chỉ cần vào website của REE là có thể biết được những thông tin về Công ty một cách đầy đủ, trọn vẹn.
Đại diện CTCP Sữa Việt Nam(VNM)
VNM là DN đầu ngành. Vì thế, chúng tôi nhận thức rõ, IR là kênh thông tin quan trọng giữa Công ty với cổ đông và nhà đầu tư. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về công bố thông tin, VNM luôn tìm hiểu các thông lệ quốc tế được áp dụng rộng rãi để làm sao thông tin đến với cổ đông và nhà đầu tư kịp thời, chính xác, minh bạch, đầy đủ nhất.
Hiện tại, theo phản hồi và đánh giá của cổ đông và nhà đầu tư thì Vinamilk đã làm tốt công tác IR. Tuy nhiên, chúng tôi luôn ghi nhận những đóng góp từ tất cả mọi người để làm tốt hơn nữa công tác này.
Theo kinh nghiệm từ VNM, không quá khó để làm tốt công tác IR nếu việc này được lãnh đạo công ty quan tâm sâu sát. Ngoài ra, bộ phận phụ trách IR cần phải nắm vững quy định của pháp luật về công bố thông tin và các quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính phải được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ, minh bạch và chính xác để công bố cho cổ đông và nhà đầu tư. Thông tin nội bộ phải được truyền đạt thông suốt từ HĐQT đến các bộ phận liên quan và công bố ra bên ngoài. Cuối cùng, tất cả thông tin hoạt động phải được đăng tải trên trang web của công ty và thường xuyên cập nhật.