Hệ lụy lãi suất thực dương
Chính sách lãi suất thực dương (LSTD) làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hoà và cân bằng hơn. Tuy nhiên, chính sách này trong một số trường hợp tạo ra các hệ luỵ tiêu cực.
Thứ nhất, chính sách LSTD làm cho lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng, làm tăng chi phí vốn. Trong một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao như Việt
Thứ hai, LSTD sẽ khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, thay vì đầu tư vào hoạt động kinh doanh, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, lượng tiền tiết kiệm tăng lên thì vốn cho vay ra nền kinh tế tăng lên tương ứng. Trong nền kinh tế sử dụng quá nhiều vốn vay sẽ làm tăng rủi ro về tín dụng và rủi ro về đạo đức, do nguy cơ người đi vay không hành xử một cách có trách nhiệm với lượng vốn mà mình vay tăng lên.
Thứ ba, chính sách LSTD chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Điều này có nghĩa là mọi rủi ro bị đẩy về phía người vay, nên sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế.
Lãi suất thực âm, nên hay không?
Điểm tích cực dễ thấy nhất của chính sách lãi suất huy động thực âm (LSTA) là làm giảm chi phí vốn và do đó khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách LSTA cũng sẽ khuyến khích một bộ phận người dân đầu tư nguồn vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư vào các loại tài sản như chứng khoán, BĐS, vàng…, tạo nguồn vốn dồi dào giúp các thị trường này phát triển. Mặc dù vậy, chính sách này cũng gây ra nhiều quan ngại.
Thứ nhất, chính sách LSTA có thể làm giảm lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản của hệ thống này gặp khó khăn, rất khó để làm giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Lo ngại này là hợp lý và có thực, tuy nhiên thực tế hoạt động huy động của hệ thống ngân hàng cho thấy, sự biến động lãi suất huy động tác động không lớn đến lượng vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Điển hình là trong 5 tháng đầu năm 2011, khi lãi suất huy động tăng từ 13 - 14% lên 18 - 19%, nhưng lượng vốn huy động của các tổ chức tín dụng chỉ tăng khoảng 1,5%.
Thứ hai, chính sách LSTA có thể khuyến khích người dân đầu tư quá mức vào các lĩnh vực như vàng, chứng khoán, BĐS…, có thể làm cho các thị trường này "sốt nóng". Tuy nhiên, cần phải xác định rằng, ngay cả khi LSTD thì các thị trường đó vẫn bị méo mó bởi hoạt động đầu cơ. Điều này là do sự yếu kém trong thể chế thị trường và chính sách quản lý các thị trường này, chứ không thể là do tác động của chính sách lãi suất. Mặc dù vậy, để hạn chế tác động có thể có của chính sách LSTA (nếu được áp dụng) đối với hoạt động đầu cơ ngoại tệ, vàng, chứng khoán, BĐS…, thì việc thực hiện đồng bộ các chính sách chống đô la hoá, vàng hoá và chống đầu cơ trên TTCK và BĐS là hết sức cần thiết.
Thứ ba, trong một nền kinh tế mà lạm phát cao như là một căn bệnh kinh niên như Việt Nam, thì việc áp dụng chính sách LSTA có thể làm cho tình trạng lạm phát thêm trầm trọng. Mặc dù vậy, đặc điểm nền kinh tế Việt Nam cho thấy, lạm phát ở Việt Nam chủ yếu là do sự kém hiệu quả của quá trình phân phối vốn trong nền kinh tế và sự kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư. Minh chứng là khi NHNN duy trì chính sách lãi suất rất cao như những năm gần đây, nhưng lạm phát vẫn tiếp tục đe doạ nền kinh tế. Ngược lại, chính sách LSTD hiện nay đang là con dao hai lưỡi làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh và do đó làm cho vấn đề lạm phát trở nên khó kiểm soát.
Chính sách lãi suất cần linh hoạt
Theo quan điểm của người viết, chính sách lãi suất cần phải linh hoạt, tuỳ theo điều kiện kinh tế cụ thể và mục tiêu chính sách của NHNN trong từng giai đoạn (chống lạm phát hay kích thích kinh tế). Trong điều kiện hiện nay, khi lạm phát đang có chiều hướng ổn định và chính sách thắt chặt tiền tệ đã kéo dài hơn 6 tháng, một lượng lớn tiền lưu thông trong nền kinh tế được hút về, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể, hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó giảm lãi suất cho vay, giúp giảm gánh nặng chi phí lãi vay của DN mà không gây lạm phát cao trở lại.
Trong dài hạn, chính sách lãi suất tiền gửi nên theo hướng các khoản tiền gửi ngắn hạn (dưới một năm) là các dòng tiền nhàn rỗi tạm thời và do đó đây là các khoản tiền ngân hàng giữ giúp nên lãi suất thực phải theo hướng âm. Ngược lại, các dòng tiền gửi dài hạn phải được xem là các dòng vốn tiết kiệm có tính chất đầu tư và do đó nên áp dụng chính sách LSTD. Điều này sẽ làm hài hoà lợi ích của cả người gửi tiền, ngân hàng và cả người đi vay, tạo điều kiện hình thành mức lãi suất hợp lý trong nền kinh tế.