Thưa ông, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn một phương án thống nhất tăng 6% từ ngày 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng để trình Chính phủ. So với phương án đề xuất của VCCI (mức điều chỉnh 3-6% và tính từ 1/1/2023), mức tăng thì kịch trần và thời gian thực hiện sớm hơn 3 tháng. Ông có quan điểm gì về phương án được chọn này?
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Quan điểm của VCCI là nhất trí với kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu, tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, nếu thời điểm điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/1/2023, doanh nghiệp hoan nghênh hơn.
Vì kế hoạch sản xuất, ngân sách tài chính cho năm 2022 đã được các doanh nghiệp lập từ đầu năm. Đối với các ngành thâm dụng lao động, sản xuất hàng xuất khẩu thì các đơn hàng trong tháng 7, tháng 8, thậm chí đến cuối năm 2022 đã được ký kết và chốt giá với khách hàng. Việc điều chỉnh lại vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp.
Nếu điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/1/2023 như phương án của VCCI, ở mức hợp lý thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì thực tế là việc điều chỉnh lương tăng thêm cho người lao động thường được người sử dụng lao động thực hiện từ ngày 1/1 hàng năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo và Hội đồng Tiền lương đã bỏ phiếu thống nhất phương án điều chỉnh 6% từ ngày 1/7/2022, thì người sử dụng lao động sẽ phải điều chỉnh các chỉ tiêu đã được xác lập và cần thích ứng với thời gian điều chỉnh trên.
Thực tế, việc tăng lương tối thiểu sau 2 năm không điều chỉnh do Covid-19 là việc phải làm. Việc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khoản tăng chi lớn cho tiền lương cũng có thể thấy rõ. Để hỗ trợ doanh nghiệp đỡ gánh nặng chi phí, theo ông, cần có những chính sách gì thể hiện sự nhất quán trong thông điệp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi của Chính phủ?
Thứ nhất, tôi cho rằng, cần truyền thông đúng thông tin về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong thời gian qua. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, nghĩa là thực tế năm 2020 mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng 5,5%, chứ không phải sau 2 năm không điều chỉnh. Do tác động của đại dịch Covid-19, nên trong năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị cấp có thẩm quyền chưa bàn đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Thứ hai, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là giai đoạn mà nhu cầu hàng hóa tăng cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây cũng là căn cứ để thúc đẩy hơn nữa việc đối thoại và thương lượng tại doanh nghiệp, để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp có thể cải thiện thu nhập của người lao động trên cơ sở phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa những giải pháp đang hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đi cùng với tiền lương là các chi phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... VCCI có ý kiến gì liên quan đến việc thực hiện các khoản đóng góp trên để hỗ trợ doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí hoạt động, đồng thời hỗ trợ người lao động cùng vượt qua khó khăn?
Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
VCCI sẽ tập hợp các kiến nghị cũng như đề xuất của các doanh nghiệp về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trao đổi với Ban soạn thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trong thời gian tới, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành quy định này.