Cần căn cứ khoa học cho quy định cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn

Quốc hội quyết định các vấn đề dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận, theo đại biểu Lê Hoàng Anh.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) tranh luận.

Tranh luận về có nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tiếp tục được nối dài khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 24/11.

Sau các ý kiến của các đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm quy định ngưỡng thay vì cấm uống rượu, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng nên cấm tuyệt đối.

Vì, tác hại của việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, có trên 50% số vụ có người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở.

Lý do thứ hai, theo ông Thịnh là quy định do pháp luật đặt ra nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Nên giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Mà đây cũng là yêu cầu của xây dựng bất cứ quy định pháp luật nào.

Thứ ba, ông Thịnh cho rằng, việc cho phép được uống rượu nhưng dưới ngưỡng ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy, phát sinh hành vi vi phạm, vì về tâm lý học hành vi, nếu đã uống một chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn là dứt khoát không uống rượu, bia ngay từ đầu. Tự bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu, bia vào cơ thể nên quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tranh luận.

Lý do tiếp theo ông Thịnh đề cập là ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Việc quy định cấm sẽ là phù hợp hơn trong điều kiện ý thức xã hội như vậy. Hơn nữa, quy định trong dự thảo không phải mới mà quy định này được Quốc hội khóa 14 thông qua ở Luật phòng chống tác hại rượu bia, có hiệu lực từ 1/1/2020, thực tế mới được triển khai mạnh từ năm 2022 đến nay và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt nên việc thay đổi vào thời điểm này là không hợp lý.

“Với các lý do trên, tôi cho rằng, quy định này không cần thiết phải bàn là có thay đổi hay không”, vị đại biểu Bắc Giang nêu quan điểm.

Tranh luận với đại biểu Thịnh, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, Quốc hội quyết định các vấn đề dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận.

“Hồ sơ dự án luật lần này, cũng như báo cáo giải trình tiếp thu số 695, Chính phủ cũng khẳng định sẽ nghiên cứu và sẽ có căn cứ khoa học. Tức là tại thời điểm này là chưa có căn cứ khoa học để cấm tuyệt đối”, ông Hoàng Anh nói.

Vị đại biểu Gia Lai cũng cho biết đã xem lại hồ sơ luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì trong hồ sơ cũng chưa có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định về bằng chứng khoa học của việc cấm tuyệt đối.

Ông Hoàng Anh còn cho rằng, hành vi cấm cũng không được ảnh hưởng đến những nét đẹp văn hóa của nhân loại trên thế giới.

“Ví dụ, biểu tượng của tình yêu nhân ngày tình yêu chúng ta thường tặng nhau thanh socola, mà thanh socola này có một chút rượu. Nếu như thế khi đã tặng nhau là có thể là như đại biểu Bế Trung Anh nói, là "tim đập, chân run" rồi. Dùng là có thể vi phạm ngay lập tức. Tôi nghĩ cũng không nên hạn chế các ngành nghề khác, đặc biệt ngành nghề mà chúng ta đang khuyến khích như y học dân tộc. Ví dụ chúng ta sử dụng 5-10m lít rượu thuốc để chữa bệnh thì có thể vi phạm ngay”, đại biểu Hoàng Anh nêu.

Để Quốc hội có thể quyết định cấm hay không, ông Hoàng Anh cho rằng cần bằng chứng, căn cứ khoa học. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế , Bộ Khoa học - Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục