Cấn cá tại Dự án tuyến metro số 5 TP.HCM từ bến xe Cần Giuộc mới tới cầu Sài Gòn

UBND TP.HCM sẽ phải giải trình khá nhiều ý kiến chưa thuận nếu muốn Dự án Xây dựng công trình đường sắt đô thị, tuyến metro số 5 (Dự án tuyến metro số 5) lọt qua cửa Hội đồng Thẩm định Nhà nước.
Việc tham gia tài trợ Dự án tuyến metro số 5 TP.HCM phụ thuộc phần lớn vào tiến độ triển khai các dự án metro khác. Trong ảnh: Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Hợp vốn phức tạp

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài chính là thành viên mới nhất trong Hội đồng Thẩm định Nhà nước hoàn tất việc cho ý kiến thẩm định liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 5, giai đoạn I.

Được biết, tuyến metro số 5 là một trong 8 tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 26 km, bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới, kết thúc ở điểm cầu Sài Gòn. Trong giai đoạn I, tuyến sẽ có chiều dài 8,9 km đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn. 

Đây cũng là tuyến metro có tổng mức đầu tư lớn (1,562,7 tỷ euro, tương đương 41.607 tỷ đồng) và có thời gian triển khai kéo dài nhất tại Việt Nam (chuẩn bị từ năm 2009 - 2019; thực hiện từ năm 2020 - 2025; bảo hành, chạy thử từ năm 2025 - 2027).

Tổng mức đầu tư Dự án lớn, được huy động từ nhiều nguồn là mối quan ngại đầu tiên được Bộ Tài chính đặt ra cho chủ đầu tư công trình là UBND TP.HCM.

Metro số 5 là một trong 8 tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 26 km, bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới, kết thúc ở điểm cầu Sài Gòn

Cụ thể, theo hồ sơ thuyết minh Dự án, phần vốn vay cam kết và điều kiện vay của các nhà tài trợ theo hồ sơ thuyết minh dự án mới dừng ở việc trao đổi sơ bộ giữa UBND TP.HCM và các nhà tài trợ từ năm 2013 đến 2014.

Tuy nhiên, đến nay, ngoài Chính phủ Tây Ban Nha đã có cam kết chính thức (thông qua Chương trình hợp tác tài chính đã được ký ngày 24/5/2017), các nhà tài trợ khác (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB; Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB, Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW) chưa có thư cam kết chính thức về trị giá tài trợ và các điều kiện tài chính cụ thể áp dụng cho Dự án.

Điều đáng nói là, việc tham gia tài trợ Dự án phụ thuộc phần lớn vào tiến độ triển khai của các dự án metro khác và các điều kiện cho vay chính thức sẽ chỉ được xác định khi nhà tài trợ hoàn thành đầy đủ quy trình thẩm định Dự án.

“Như vậy, phương án huy động nguồn vốn nước ngoài thực hiện Dự án vẫn cần được khẳng định bằng các cam kết cụ thể của nhà tài trợ để đảm bảo tính khả thi”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu quan điểm.

Bộ Tài chính cho rằng, tuyến metro số 5 là dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng nguồn vốn vay ODA đa phương từ nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, sẽ bao gồm nhiều hợp phần và tiểu dự án nhỏ, dẫn đến việc quản lý và phân bổ vốn phức tạp.

Vì vậy, Bộ đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ cấu chi tiết các hạng mục, hợp phần dự án dự kiến phân bổ nguồn vốn và nguồn vốn từ các nhà tài trợ, cũng như nguồn vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam theo từng giai đoạn tiến độ dự án.

Suất đầu tư

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản vay của Dự án metro số 5 có tác động đến nợ công khoảng 0,08% vào năm 2020.

Tính trong tổng thể cả 48 dự án đã đề xuất và được Bộ Tài chính đánh giá tác động nợ công từ đầu năm 2017 đến nay, mức dự kiến tác động lên nợ công của các dự án này là 0,47% vào năm 2018 và 1,218% năm 2020.

Như vậy, trường họp các dự án đề xuất nêu trên đều được phê duyệt và thực hiện, giải ngân từ năm 2018 (bao gồm cả dự án tuyến metro số 5, giai đoạn I TP.HCM) thì sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công tính trên GDP được Quốc hội phê duyệt (vượt mức 65% vào năm 2019).

Để tăng tính khả thi của nghiên cứu đề xuất Dự án, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM bổ sung tính toán suất đầu tư của tuyến metro số 5 và căn cứ tính toán, so sánh với các dự án do Thành phố đang thực hiện (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương) và các dự án đường sắt đô thị có điều kiện tương tự trong khu vực và trên thế giới.

Được biết, đây cũng là một trong những ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Đề cương Dự án “Xây dựng Tuyến metro số 5 - giai đoạn I” do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư hồi đầu năm 2016.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, suất đầu tư sơ bộ của Dự án sau khi điều chỉnh là 4.650 tỷ đồng/km (tương đương 214,82 triệu USD/km) là khá cao so với các dự án tương tự.

Điều đáng nói là, nội dung điều chỉnh Dự án không lớn, khi không thay đổi phạm vi chiều dài tuyến mà thay đổi một số yếu tố có tính chất cục bộ như: tăng 0,87 km hầm, tăng thêm 1 nhà ga ngầm, bổ sung cửa chắn ke ga; tăng thêm 6 toa cho đoàn tàu trên tuyến.

Trong khi đó, trong văn bản góp ý thẩm định Báo cáo Pre F/S Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, hiện nay giai đoạn II của tuyến metro số 5 (từ ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

“Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu đầu tư các giai đoạn của Dự án, cần bảo đảm tính đồng bộ, đồng thời, có khả năng vận hành, khai thác độc lập, phát huy hiệu quả đầu tư của từng giai đoạn và toàn dự án”, Bộ Giao thông - Vận tải nêu ý kiến.

Cơ cấu nguồn vốn tại Dự án metro số 5 theo thỏa thuận với các nhà tài trợ: 
Vốn ODA từ Chính phủ Tây Ban Nha trị giá khoảng 7.322 tỷ đồng sẽ được dùng cho gói thầu tư vấn quản lý dự án và các gói thầu thiết bị.
Các khoản tín dụng ODA trị giá 12.647 tỷ đồng từ ADB, 3.994 tỷ đồng từ EIB và 5.325 tỷ đồng từ KfW sẽ được hợp vốn để thực hiện các gói thầu thi công, xây lắp. 
Phần vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam khoảng 12.327 tỷ đồng sẽ bố trí chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư, chi phí quản lý dự án và tư vấn trong nước, dự phòng các loại thuế và phí.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục