Cần bơm “oxy” cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK-online) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2008 có dấu hiệu chững lại so với 2 tháng đầu năm. Nhưng tính chung, CPI quý I/2008 so với tháng 12/2007 tăng 9,19%, so với cùng kỳ năm 2007 tăng 16,38%. Còn GDP trong quý I/2008 tăng 7,43%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 7,8%. Trước tình hình đó, nhiều nhóm giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra với mục đích vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Kéo dài việc giảm biên độ sẽ làm mất tính hấp dẫn và không phù hợp với sự phát triển lâu dài của TTCK Kéo dài việc giảm biên độ sẽ làm mất tính hấp dẫn và không phù hợp với sự phát triển lâu dài của TTCK

TTCK mới được kê thuốc “giảm đau”

Để TTCK thoát khỏi đà suy giảm, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại ngừng giải chấp các hợp đồng cầm cố chứng khoán, repo chứng khoán (mua bán chứng khoán có kỳ hạn); Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9%/năm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có giải pháp khác là điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tại Sở GDCK TP. HCM từ ±5% xuống ±1%, tại TTGDCK Hà Nội từ ±10% xuống còn ±2%, áp dụng kể từ ngày 27/3/2008.

Rõ ràng, các cơ quan chức năng đang cố gắng áp dụng những “toa thuốc” riêng với liều lượng mạnh để tạm thời “giảm đau” cho nền kinh tế cũng như ổn định TTCK. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế - tài chính thế giới cũng như trong nước đang gặp không ít khó khăn, nhất là TTCK và nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam chịu nhiều tác động từ một số chính sách thiếu đồng bộ, thiếu tính linh hoạt trước đó nên TTCK chưa thể nhanh chóng phục hồi.

Trong khi đó, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt như phát hành tín phiếu bắt buộc đối với các ngân hàng, tăng dự trữ bắt buộc, chỉ thị các ngân hàng hạn chế  cung tiền ra thị trường (khống chế mức tăng trưởng tín dụng) nhằm kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với việc “bóp chặt” đầu vào của chứng khoán, nhất là quy định hạn chế tín dụng dành cho chứng khoán, bởi nhà đầu tư không thể xoay vốn để gom các cổ phiếu đang có mức giá lý tưởng.

 

Thay đổi “thuốc” cho thị trường

Những chính sách mà các cơ quan nhà nước đề ra, nhất là biện pháp điều chỉnh biên độ dao động giá thật sự không sai với mục đích bình ổn TTCK, từ đó duy trì sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế chung. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều sự thăng trầm, nên sau quyết định giãn biên độ của UBCKNN bắt đầu từ ngày 7/4, cũng cần nhanh chóng trả lại khả năng tự điều tiết theo quy luật cung - cầu, vốn là bản chất của thị trường. Khi đó, người mua và người bán được tự do quyết định thời điểm mua - bán, giá mua - bán, khối lượng mua - bán… Bởi việc giảm biên độ là hành động can thiệp hành chính vào sự hoạt động của thị trường. Những chính sách mang tính hành chính này chỉ thích hợp trong một thời gian ngắn để ổn định tâm lý nhà đầu tư, còn nếu kéo dài sẽ làm mất đi tính hấp dẫn và không phù hợp với sự phát triển lâu dài của TTCK.

Một “liều thuốc” mà các cơ quan quản lý nhà nước nên “kê đơn” là hãy để cho nhà đầu tư được mở thêm nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán. Song song đó là tạo điều kiện triển khai các nghiệp vụ mới mà hiện nay một số công ty chứng khoán như ACBS đã và đang cung cấp tốt như Margin Trading, Option, mua bán chứng khoán có kỳ hạn (Repo)… Những nghiệp vụ này có vai trò như đòn bẩy tài chính mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận cao với số vốn đầu tư khiêm tốn. Đồng thời, tạo động lực kích thích cho TTCK phát triển sôi động trong chừng mực của sự điều tiết chỉ số VN-Index.

Nếu các công ty chứng khoán cung cấp tốt nghiệp vụ bán khống sẽ kìm hãm sự tăng trưởng quá nóng cũng như kéo TTCK khỏi đà tuột dốc không phanh. Còn với việc triển khai thành công hoạt động repo sẽ là một công cụ tốt để tạo tính thanh khoản cho thị trường thứ cấp. Những hợp đồng chọn bán, chọn mua (option) sẽ là phương tiện để các nhà đầu tư chủ động quyết định thời gian, giá cả mua - bán chứng khoán dựa trên kinh nghiệm và đánh giá của bản thân về thị trường. Chính những nghiệp vụ này sẽ là chất xúc tác lâu dài để kích cầu cho TTCK, không phải là giải pháp tình thế như quy định thắt biên độ dao động giá chứng khoán. Có như vậy, TTCK mới đủ khí lành để tiếp tục “thở”, “sống” khỏe và vận động theo đúng biểu đồ hình sin linh động, chứ không phải là những đường thẳng vút lên rồi chúc xuống một cách lạnh lùng.                   

Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh

Tin cùng chuyên mục