Cần bơm gói hỗ trợ 7 - 8 tỷ USD, lấy tiền từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để tăng trưởng GDP 6 - 6,5% vào năm 2022, cần phải bơm ngay gói hỗ trợ tài khóa 7-8 tỷ USD. Vấn đề là lấy tiền đâu ra để hỗ trợ.

Sản xuất, kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ, vì sao ông lại dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chỉ vào khoảng 2%, thấp hơn đáng kể so với dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế?

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 10/11/2021), nền kinh tế đang mở cửa dần, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý IV hồi phục mạnh so với quý III, nhưng do quý IV/2020, GDP tăng khá cao (4,48%) nên quý IV năm nay khó có thể tăng đột biến, vì GDP lấy quý so với quý cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, trong 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%, nên cả năm tăng được 2% đã là nỗ lực rất lớn.

Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi?

Bây giờ còn quá sớm để dự báo khi đặt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm hàng ngày bình quân trên 10.000 ca. Tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” vừa được tổ chức, Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ đạt 4-4,5% từ mức 2% năm 2021 và lạm phát tăng từ 2% năm 2021 lên 3,4-3,7%.

Tôi cho rằng, muốn GDP tăng trưởng 6-6,5%, cần phải thực hiện gói hỗ trợ trực tiếp từ tài khóa cỡ vào khoảng 7 - 8 tỷ USD và phải triển khai gói này càng sớm càng tốt vì nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới sẽ thấy Việt Nam dường như đang bị lỡ nhịp tăng trưởng. Nếu không mạnh dạn hỗ trợ thì lỡ nhịp sẽ rõ ràng hơn, chứ không còn là “dường như” nữa.

Gói hỗ trợ tài khóa như ông dự kiến cỡ 7 - 8 tỷ USD. Đây là số tiền quá lớn so với quy mô thu ngân sách nhà nước, thưa ông?

Trong Dự toán ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội thông qua không có gói này. Muốn có tiền thì phát hành trái phiếu chính phủ, NSNN trực tiếp đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng, hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp vay vốn chứ không hỗ trợ qua ngân hàng và dứt khoát ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng.

Với các doanh nghiệp lớn cần hàng ngàn tỷ đồng để phục hồi, hệ thống ngân hàng không thể kham nổi và nhiều doanh nghiệp cũng không còn đủ điều kiện để vay do không có tài sản thế chấp thì Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn.

Cách này nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Trung Quốc và Thái Lan vì doanh nghiệp lớn là rường cột của nền kinh tế, rường cột mà bị suy yếu thì nền kinh tế sẽ suy yếu theo.

Trong trường hợp doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu trả được nợ thì rất tốt, ngược lại, nếu họ không trả được nợ thì NSNN sẽ phải chịu trách nhiệm với số tiền 7 - 8 tỷ USD?

Hãy đặt lại câu hỏi Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… lấy tiền đâu để hỗ trợ, vì trên thực tế họ cũng không có tiền, Quốc hội thông qua gói tài khóa năm nào tiêu hết năm đó, Quốc hội chậm thông qua chi tiêu ngân sách năm sau là Chính phủ đứng trước nguy cơ đóng cửa, ngay như Chính phủ Mỹ cũng nhiều lần phải tạm đóng cửa do không có tiền để hoạt động.

Vậy thì các nước phát triển lấy tiền ở đâu ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với quy mô lên đến 19,43% GDP, trong đó gói tài khóa tương đương 11,8% GDP? Thực ra người ta đi vay. Cụ thể là Bộ Tài chính (thay mặt Chính phủ) phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng trung ương lấy tiền hỗ trợ. Ngân hàng trung ương “ôm” trái phiếu chính là tài sản được bảo đảm, sau đó bán dần trái phiếu để thu tiền về, vừa có tiền hỗ trợ, vừa chống được lạm phát và có điều rất hay là Ngân hàng trung ương bán trái phiếu thường cao hơn giá mua vào, tức là họ thu được lợi nhuận, trong lúc khó khăn cũng thu được lợi nhuận.

Rất nhiều nước trên thế giới đã “xoay tiền” bằng cách này, thậm chí còn sử dụng những khái niệm mỹ miều để ám chỉ việc vay nợ như Mỹ gọi là gói “Nới lỏng định lượng” để tránh nói tới chuyện đưa tiền ra lưu thông. EU thì gọi là “Ngân hàng trung ương mua tài sản (trái phiếu)”. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản bóng gió hơn khi gọi là “Mở rộng bảng cân đối tài sản của Ngân hàng trung ương”.

Thưa ông, bơm tiền ra thị trường sẽ tác động ngay tới lạm phát, như lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây?

Đúng là lạm phát ở các nước phát triển đang rất cao, nhưng không phải nguyên nhân từ tiền tệ. Vì trong điều kiện bình thường, một đồng bơm ra lưu thông sẽ quay được 2-3 vòng/năm, nhưng do dịch bệnh chỉ quay được 1 vòng, nên lượng tiền bơm ra không tác động ngay tới lạm phát. Khi nền kinh tế dần phục hồi, đồng tiền ngoài lưu thông quay nhanh hơn thì ngân hàng trung ương rút dần tiền về thông qua việc bán trái phiếu đã ôm vào và sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng để hạn chế tiền ngoài thị trường như nâng lãi suất chẳng hạn.

Ông nghĩ rằng, Việt Nam cũng nên “Nới lỏng định lượng”?

Kinh tế thế giới đang phục hồi, còn Việt Nam đã bị lỡ nhịp khi tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến thấp hơn năm 2020 (2% so với 2,91%). Vì nền kinh tế ngoài bị nhiễm SARS-CoV-2, còn bị nhiều bệnh nền. Muốn hết bệnh phải có sử dụng nhiều liệu pháp điều trị, trong đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trực tiếp từ NSNN là liệu pháp điều trị hiệu quả nhất.

Lúc này không có tiền thì không nói được chuyện gì. Ngân sách bỏ ra 7 - 8 tỷ USD thì bệnh nền khỏi hết, sống chung với virus Corona vẫn khỏe mạnh bình thường như người “nhiễm bệnh không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ”. Không có tiền thì phải “xoay” bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, bảo lãnh cho doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục